Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quốc hội Iraq yêu cầu Mỹ và liên minh rút quân

(VTC News) -

Quốc hội Iraq hôm 5/1 thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Iraq và đảm bảo họ không sử dụng đất, vùng trời và vùng biển của nước này vì bất kỳ lý do gì.

"Chính phủ Iraq phải làm việc để chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ quân đội nước ngoài nào trên đất Iraq và cấm họ sử dụng đất, không phận hoặc biển của Iraq vì bất kỳ lý do gì.", nghị quyết của Quốc hội Iraq nêu.

Với 170/328 phiếu thuận, 0 phiếu chống, Quốc hội Iraq hôm 5/1 thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Iraq. Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ người Kurds và Sunnis không tham dự và không bỏ phiếu trong phiên họp này.

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi trước đó đã kêu gọi quốc hội chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài. 

"Mặc dù có những khó khăn bên trong và bên ngoài, nhưng điều đó vẫn tốt nhất cho Iraq về nguyên tắc và thực tế", ông Abdul Mahdi nói trước quốc hội. Ông Abdul Mahdi tuyên bố sẽ ký vào văn bản nghị quyết cuối cùng để hợp pháp hoá quyết định của Chính phủ.

"Kẹt" giữa Mỹ và Iran, chính phủ Iraq chịu áp lực ngày càng gia tăng để trục xuất 5.200 lính Mỹ đang đóng tại nước này với mục đích "ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS".

Người Iran tưởng nhớ thủ lĩnh Lực lượng Quds đặc biệt của Vệ binh cách mạng Iran, Thiếu tướng Qassim Suleimani, ở Ahvaz, Iran, vào Chủ nhật (5/1). (Ảnh: Hossein Mersadi / EPA)

Trong khi đó, cũng vào ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Iraq gửi khiếu nại chính thức với Tổng thư ký và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các cuộc không kích của Mỹ tại Baghdad, giết chết tướng Iran Qassem Soleimani và một số lãnh đạo dân quân Iraq.

Nội dung khiếu nại này là về "các cuộc tấn công và xâm phạm của người Mỹ vào các vị trí của quân đội Iraq và vụ ám sát các chỉ huy quân sự cấp cao của Iraq và đồng minh trên đất Iraq". Iraq mô tả các cuộc tấn công là "hành vi vi phạm chủ quyền nguy hiểm của Iraq và các điều khoản về sự hiện diện của Mỹ tại Iraq". Bộ Ngoại giao Iraq kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án các vụ tấn công.

Khi Trung Đông chuẩn bị cho phản ứng trả đũa Mỹ của Iran, điều mà các các quan chức Mỹ dự kiến xảy ra trong vòng vài tuần, Tehran và Washington liên tục trao đổi những phát ngôn căng thẳng.

Sinh viên Iraq biểu tình chống Mỹ và Iran.

Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu, ông Josep Borrell, đã mời ông Zarif tới Brussels để đối thoại. Ông Borrell đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Iran, kêu gọi Iran kiềm chế và cân nhắc cẩn thận mọi phản ứng để tránh leo thang căng thẳng, gây hại cho toàn bộ khu vực và người dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Heiko Maas, cho biết sẽ cố gắng có các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran sau khi Mỹ giết chết Tướng Suleimani. Châu Âu muốn tiếp tục cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ông Maas nói, và Đức lo lắng về sự an toàn của quân đội nước này đang đào tạo các chiến binh Iraq chống lại phiến quân.

Theo New York Times, nhìn chung, châu Âu không chỉ trích cụ thể Tổng thống Trump về quyết định của ông và thường chia sẻ quan điểm của Mỹ rằng Iran là lực lượng gây bất ổn ở Trung Đông và ủng hộ khủng bố. Nhưng cũng không có chính phủ châu Âu nào ca ngợi việc Mỹ giết chết Tướng Suleimani, thay vào đó họ nhấn mạnh đến những rủi ro gia tăng đối với công dân, quân đội và lợi ích của họ.

Thủ tướng Boris Johnson của Anh được cho là tức giận với ông Trump vì đã không thông báo cho ông hoặc các đồng minh khác có quân đội ở Iraq về quyết định giết Tướng Suleimani. Trong khi do người Mỹ thực hiện, vụ tấn công được cho là đã khiến tất cả công dân và quân đội châu Âu ở Iraq và khu vực lâm vào nguy cơ. Ông Johnson dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Trump trong vài ngày tới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, phàn nàn rằng phản ứng của các đồng minh châu Âu đã "không giúp ích gì".

Phương Anh (Nguồn: Global News, New York Times)

Tin mới