Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc đảo 22.000 dân mời Mỹ xây dựng căn cứ quân sự đối phó 'tác nhân gây bất ổn'

(VTC News) -

Quốc đảo ở Thái Bình Dương Palau mời gọi quân đội Mỹ xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình trong bối cảnh Trung Quốc cấm dân tới đây tham quan du lịch.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tới thăm đảo quốc này và cáo buộc Bắc Kinh có "các hoạt động gây bất ổn đang diễn ra" ở khu vực Thái Bình Dương.

Sau cuộc gặp, Tổng thống Palau Tommy Remengesau tiết lộ người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ đã hoan nghênh việc mời gọi, xây dựng các cơ sở quân đội ở Palau - quần đảo cách Philippines khoảng 1.500 về phía Đông.

"Yêu cầu của Palau đối với quân đội Mỹ vẫn rất đơn giản - xây dựng các cơ sở sử dụng chung, sau đó đến và sử dụng chúng thường xuyên", ông Tommy Remengesau cho biết trong bức thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, được Văn phòng Tổng thống bố trong tuần này.

Quốc đảo ở Thái Bình Dương Palau mời gọi, thúc giục quân đội Mỹ xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình. (Ảnh: Yahoo)

Trong bước thư, Tổng thống Tommy Remengesau nhấn mạnh đến việc quốc gia 22.000 người này sẵn sàng cung cấp các căn cứ đất liền, cơ sở cảng và sân bay cho quân đội Mỹ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Remengesau cũng đề xuất sự hiện diện của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ ở Palau để giúp tuần tra khu bảo tồn biển rộng lớn của quốc đảo này, nơi có diện tích đại dương bằng Tây Ban Nha. Với diện tích đó, rất khó để quốc gia nhỏ bé này giám sát toàn bộ các biến động trên các vùng thuộc chủ quyền của mình.

Palau là một quốc gia độc lập, không có quân đội và Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ theo một thỏa thuận với Washington được gọi là Hiệp ước Tự do. Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ có quyền tiếp cận các hòn đảo ở Palau, tuy nhiên, hiện Mỹ không có quân thường trực ở đó.

"Chúng ta nên sử dụng các cơ chế của Hiệp ước để thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên của Mỹ ở Palau. Quân đội Mỹ đã không sử dụng hết quyền trong việc thiết lập các địa điểm phòng thủ ở Cộng hòa Palau theo Hiệp ước”, ông Remengesau nhấn mạnh.

Ông Remengesau cho biết, các căn cứ ở Palau sẽ không chỉ tăng cường khả năng tác chiến cho quân đội Mỹ mà còn giúp nền kinh tế địa phương, vốn đang gặp khó khăn khi đại dịch COVID-19, khiến du lịch - ngành công nghiệp chính của nước này ngừng hoạt động.

Palau là hiện trường của các cuộc giao tranh đẫm máu giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến II. Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh, Washington tập trung vào các căn cứ ở Philippines và Guam. Một cơ sở radar quân sự của Mỹ đã được lên kế hoạch  xây dựng ở Palau nhưng bị đình chỉ vì đại dịch COVID-19.

Palau lo sợ ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực ngày càng gia tăng. (Ảnh: Rappler)

Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, đã cố gắng lôi kéo các đồng minh của Đài Bắc ở Thái Bình Dương, thuyết phục quần đảo Solomon và Kiribati đổi bên vào năm ngoái. Trước đó, Palau đã từ chối lời kêu gọi của Bắc Kinh, khiến Trung Quốc ra lệnh cấm khách du lịch đến thăm đất nước này vào năm 2018.

Không nêu tên Trung Quốc, song Tổng thống Remengesau nói với Bộ trưởng Quốc phòng Esper rằng "các tác nhân gây bất ổn đã đi lên phía trước để tận dụng" các cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến dịch bệnh mà các quốc đảo nhỏ đang phải vật lộn để chống chọi.

“Thưa Bộ trưởng, thật nhẹ nhõm khi nghe ông và các quan chức hàng đầu khác của Mỹ nhận ra thực tế phức tạp của an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nơi đang bị đe dọa bởi kinh tế học cũng như xâm lược quân sự”, Tổng thống Remengesau viết trong thư.

Trong chuyến thăm của Esper vào tuần trước tới Palau, kéo dài chưa đầy 3 giờ, ông Remengesau cho biết, Trung Quốc đang cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các quốc đảo để giành lấy lòng trung thành của họ.

Kông Anh

Tin mới