Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quân đội Đức bất ngờ kích hoạt hệ thống phòng không

(VTC News) -

Ngày 4/9, quân đội Đức chính thức đưa hệ thống phòng không Iris-T đầu tiên vào sử dụng trên lãnh thổ sau khi chuyển giao một số hệ thống cho Ukraine.

“Nga tiến hành tái vũ trang ồ ạt trong nhiều năm, đặc biệt là trong lĩnh vực tên lửa và tên lửa hành trình”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh.

Ông Olaf Scholz cho biết thêm hệ thống tên lửa đất đối không là một phần trong kế hoạch tăng cường phòng thủ của Đức và châu Âu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xung đột quân sự ở Ukraine vào năm 2022.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) đang nói chuyện với những người lính Đức. (Ảnh: EPA-EFE)

Moskva đã phá vỡ hiệp ước giải trừ vũ khí và "triển khai tên lửa tới tận Kaliningrad", vùng đất tách biệt của Nga cách Berlin khoảng 530 km.

“Sẽ là thiếu sót nếu không phản ứng thích đáng với vấn đề này. Việc không hành động gây nguy hiểm cho hòa bình. Tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra", ông Olaf Scholz nói.

Hệ thống phòng không Iris-T cũng nằm trong nội dung Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI), trong đó bao gồm hệ thống phòng thủ tầm xa chống lại tên lửa đạn đạo. Quân đội Đức đã đặt hàng 6 hệ thống SLM Iris-T với tổng chi phí là 1,3 tỷ SGD từ nhà sản xuất Diehl Defense, dự kiến ​​bàn giao vào tháng 5/2027.

Hiện tại, Đức là quốc gia đóng góp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, cung cấp 4 hệ thống SLM Iris-T cho Ukraine và cam kết cung cấp thêm 8 hệ thống nữa.

Hệ thống Iris-T được gửi tới Ukraine có bệ phóng gắn trên xe tải, có thể bắn tên lửa để đánh chặn mối đe dọa trên không ở phạm vi lên tới 40 km. Ông Olaf Scholz cho biết “tại Ukraine, Iris-T đã bắn hạ hơn 250 tên lửa, máy bay không người lái và tên lửa hành trình cho đến nay và giải cứu thành công vô số sinh mạng”.

Ngoài hệ thống phòng thủ, Ukraine cũng cần có thêm tên lửa chính xác của riêng mình "để không tạo ra khoảng cách nguy hiểm với Nga trong lĩnh vực mang tầm chiến lược quan trọng".

Hồi tháng 7, Washington và Berlin tuyên bố "những đợt triển khai theo đợt" tên lửa tầm xa của Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk tới Đức bắt đầu vào năm 2026. Thủ tướng Đức cũng cho rằng mối quan tâm duy nhất của quốc gia này là ngăn chặn những kẻ tấn công tiềm tàng và bảo đảm hòa bình, ngăn chặn chiến tranh.

Kông Anh

Tin mới