Các quan chức phương Tây giấu tên đã phủ nhận cáo buộc trước đó của Ukraine rằng Nga sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để tấn công vào vùng Dnipro hôm 21/11 (giờ địa phương).
Theo các quan chức này, đánh giá trên được đưa ra dựa trên phân tích ban đầu và để ngỏ khả năng kết luận có thể thay đổi.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga. (Ảnh: Tass)
Trước đó, Bộ tư lệnh Không quân Ukraine cho biết sáng 21/11, Nga thực hiện cuộc tấn công nhắm vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng ở thành phố Dnipro bằng nhiều loại tên lửa, trong đó một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ khu vực Astrakhan, phía nam nước Nga.
"Lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ sáu tên lửa hành trình Kh-101 trong cuộc tấn công. Đặc biệt, có một ICBM được phóng từ khu vực Astrakhan của Nga", Bộ tư lệnh Không quân Ukraine cho hay.
Tuyên bố không nêu rõ chủng loại ICBM và mục tiêu cụ thể, cũng như có gây ra thiệt hại hay không.
Theo Reuters, ngày 21/11, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết thông tin Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để tấn công Ukraine là rất đáng lo ngại.
Cuộc tấn công diễn ra sau khi Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow của Mỹ, Anh để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga tuần này.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Ukraine phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS vào một cơ sở quân sự ở vùng Bryansk nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga. Phòng không Moskva bắn hạ 5 quả đạn và làm hư hại tên lửa còn lại, mảnh vỡ của nó rơi xuống và gây ra hỏa hoạn tại cơ sở, song đám cháy đã được dập tắt nhanh chóng.
Hôm 18/11, Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, hành động đảo ngược chính sách đáng kể của Washington trong cuộc xung đột Ukraine - Nga. Moskva trước đó cảnh báo động thái nới lỏng hạn chế sử dụng vũ khí Mỹ tại Ukraine là bước leo thang lớn.
Động thái này diễn ra hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Không rõ liệu Tổng thống đắc cử Trump có đảo ngược quyết định của ông Biden khi nhậm chức hay không. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột nếu đắc cử.
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán ngừng bắn ở Ukraine với Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Donald Trump. Đồng thời, Moskva và Kiev có thể sớm đàm phán về việc đóng băng xung đột cũng như thành lập khu phi quân sự và một số hình thức trao đổi lãnh thổ, cụ thể là khu vực Kursk và Kharkov.
Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh "việc đóng băng cuộc xung đột không có ý nghĩa cho Nga" và "điều quan trọng là Nga đạt được các mục tiêu của mình".