"Năm nay, Lực lượng Tên lửa chiến lược có kế hoạch tiến hành 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trong 5 năm qua, Lực lượng Tên lửa chiến lược đã thực hiện hơn 20 vụ phóng ICBM như một phần trong cuộc thử nghiệm bay các hệ thống tên lửa tiên tiến và các cuộc tập trận nhằm quản lý lực lượng vũ trang Nga", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 7/1 (giờ địa phương).
Được biết, Nga thường thông báo cho Mỹ về các vụ phóng ICBM trước ít nhất 24 giờ và Washington cũng hành động tương tự khi có kế hoạch phóng ICBM. Hoạt động này được thực hiện khi Nga va Mỹ đang là hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Một vụ phóng ICBM của Nga năm 2022. (Ảnh: Reuters).
Tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tàu ngầm hạt nhân mới Hoàng đế Alexander III của họ đã phóng thành công tên lửa liên lục địa Bulava. Tên lửa được phóng từ biển Trắng, khu vực ngoài khơi phía bắc của Nga, và đã bắn trúng mục tiêu cách đó hàng nghìn km trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông.
Tên lửa Bulava dài 12m, có tầm bắn ước tính 8.000km và có thể mang tới 6 đầu đạn hạt nhân. Vũ khí này được coi là "hòn đá tảng" trong bộ ba hạt nhân của hải quân Nga.
Tên lửa Bulava là ICBM phóng từ biển của Nga, nằm trong tổ hợp phóng D-30 và được thiết kế để trang bị cho các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược (SSBN) thuộc dự án 09550, 09551 và 09552 "Borey" và "Borey-M". Tên lửa do Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva phát triển. Ngày 10/1/2013, Bulava được nghiệm thu đưa vào hoạt động chiến đấu thử nghiệm.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo được tiến hành trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân để chống lại mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng.
Vào tháng 12 cùng năm, ông Putin cũng đã tham dự lễ hạ thủy hai tàu ngầm hạt nhân gồm tàu Kranoyarsk và tàu mang tên Hoàng đế Alexander III tại thành phố Severodvinsk. Tại buổi lễ, Tổng thống Nga cam kết sẽ thực hiện kế hoạch hiện đại hóa hải quân Nga. Ông cũng tiết lộ hai tàu ngầm hạt nhân này sẽ sớm nhận nhiệm vụ ở Thái Bình Dương.
Mới đây, Tổng thống Putin cho biết bộ ba hạt nhân của nước này được hiện đại ở mức 95%. Theo lãnh đạo Nga, trước tình hình toàn cầu hiện nay và sự xuất hiện của những “rủi ro quân sự - chính trị” mới, bộ ba hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc “đảm bảo sự cân bằng chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới” và vai trò này ngày càng gia tăng.