Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phụ huynh than Tiếng Việt lớp 1 quá khó: 'Chưa đủ căn cứ để đánh giá'

(VTC News) -

Theo TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, phụ huynh than khó về nội dung môn Tiếng Việt 1 nặng là chưa có cơ sở, cần có thời gian để đánh giá.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ GD&ĐT chiều 30/9, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết đã nắm bắt thông tin một số phụ huynh chia sẻ trên các diễn đàn về việc chương trình lớp 1 mới "nặng". Tuy nhiên, theo ông Tài đó mới chỉ là phản ánh một chiều, còn các trường học, giáo viên và nhà khoa học hiện vẫn chưa có đánh giá, phản biện.

Ông Tài cũng khẳng định, trong việc giảng dạy kiến thức lớp 1 Chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung vào mục tiêu chính giúp trẻ đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, các em học môn Tiếng Việt rất nhiều.

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 tập một thuộc bộ "Cùng học để phát triển năng lực". (Ảnh: VNExpress)

Với Tiếng Việt 1, dù thời lượng của môn học được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết nhưng nội dung kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn.

"Nếu phụ huynh có con học lớp 1 năm ngoái rồi năm nay lại có con học lớp 1 sẽ dễ có tâm lý so sánh, từ đó đánh giá chương trình nặng, nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta đang cố gắng bố trí để các em đọc thông viết thạo sớm rồi mới tính đến việc cho các em học tốt môn khác ở giai đoạn sau. Chẳng hạn Toán, chương trình mới chỉ có 70 tiết ở lớp 1 nhưng sẽ được tăng lên học nhiều hơn ở các lớp sau", ông Tài nói.

Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đưa ra nội dung bắt buộc và có thể điều chỉnh trong quá trình triển khai. Điều này giúp Bộ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, phản biện, vấn đề phát sinh. Khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản khẳng định quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên. Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định chuẩn đầu ra, thời lượng môn học, sách giáo khoa tạo đường hướng cho giáo viên. Và giáo viên phải phân tích chương trình, sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch dạy học làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra.

"Việc xây dựng kế hoạch dạy học dựa trên nhiều yếu tố như điều kiện đảm bảo triển khai kế hoạch chuyên môn, học sinh. Do vậy, việc đánh giá chương trình Tiếng Việt lớp 1 "nặng" lúc này là không đủ căn cứ xác đáng. Chương trình đã được thẩm định bởi hội đồng quốc gia và được đưa vào cuộc sống với quy định rất chặt chẽ", ông Tài nhấn mạnh.

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, Chương trình lớp 1 mới thực hiện được một tháng, nên dư luận cần có góc nhìn khách quan hơn. Trong khi học sinh được học thời lượng nhiều nhưng lượng kiến sẽ thức nhẹ hơn. "Tôi lấy ví dụ, cùng khối lượng kiến thức, trẻ học trong 3 giờ sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn học 2 giờ”.

Vừa qua, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 năm học 2020-2021 phản ánh, sau 3 tuần tới trường, trẻ vẫn chưa thuộc hết âm ghép, ghép vần chậm vì chương trình môn Tiếng Việt quá nặng. Thậm chí nhiều gia đình rất căng thẳng khi hàng đêm phải ngồi cùng trẻ từ 19h30 đến 22h30. Nhiều hôm, con không đủ thời gian để học vì riêng Tiếng Việt đã chiếm đến 2 tiếng.

Phụ huynh cho rằng, mới lớp 1 mà trẻ đã vùi đầu học đêm ngày. Hàng ngày, ngoài giờ học ở lớp, trẻ phải hoàn thiện vở luyện viết mẫu chữ ô ly (tiếp tục bài học ở lớp), luyện viết bảng chữ đã học trong ngày, luyện viết ở vở hướng dẫn học theo mẫu của giáo viên viết trên bảng, chuẩn bị bài cho ngày mai.

Không chỉ chương trình học quá nhiều, phụ huynh cũng than phiền các câu chuyện trong sách giáo khoa rất khó đọc, nội dung không hay.

Hà Cường

Tin mới