Nhiều phụ huynh băn khoăn, đầu năm học mới, nhà trường gửi danh mục sách giáo khoa và sản phẩm giáo dục yêu cầu đăng ký mua cho học sinh nhưng không nói rõ sách nào cần thiết, sách nào không bắt buộc.
Về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 cuốn bắt buộc và một môn tự chọn.
Các cuốn bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách tiếng Anh tự chọn. Ngoài ra còn có những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Sách giáo khoa lớp 1.
Theo ông Tài, Bộ GD&ĐT có nhiều công văn chỉ đạo về thực hiện nghiêm túc nội dung liên quan tới sách giáo khoa lớp 1. Trong đó các văn bản đều quy định rõ, các cơ quan quản lý giáo dục, các trường không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ. Các đơn vị có liên quan phải thông báo rõ điều này cho giáo viên, học sinh và gia đình học sinh biết.
Đặc biệt, trong Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT tại Điều 28 quy định rõ: "Sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo".
Như vậy các văn bản hướng dẫn của Bộ nêu rất rõ ràng, được ban hành sớm và thường xuyên được cập nhật, nhắc nhở, quán triệt nội dung này.
Ông Tài cho rằng sự việc ở TP.HCM là bài học kinh nghiệm để các trường khi thông tin tới phụ huynh học sinh về việc mua sắm sách vở năm học mới cho học sinh cần rõ ràng, công khai, minh bạch, và cũng rất cần sự giám sát của các lực lượng truyền thông và xã hội.