Tối 4/8, Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022 diễn ra tại Nhà hát TP.HCM (quận 1, TP.HCM).
Phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, cách đây khoảng một năm, TP.HCM và rất nhiều địa phương khác phải đối diện muôn vàn khó khăn do sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Thy Huệ).
Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, mọi hoạt động trực tiếp bị ngưng trệ, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy sức mạnh, hiệu quả to lớn.
Với tư cách là phương tiện truyền thông phổ cập toàn cầu, phát thanh có tính đồng nhất, đặc biệt là phổ cập tới những khu vực nghèo, nông thôn, miền núi. Ở những nơi đó, đài phát thanh vẫn là một trong số ít những nguồn thông tin giải trí sẵn có, chi phí thấp, đáng tin cậy. Đối với một số khu vực, đây còn là nguồn thông tin duy nhất.
Từ khắp thôn làng, những tiếng nói thân thương, sẻ chia được vang lên, len lỏi tới từng ngôi nhà, từng khu cách ly, điều trị, góp phần hướng dẫn, động viên, an ủi mọi người dân đồng lòng, vững chí vượt qua đại dịch. Bằng hình thức phát thanh trên các nền tảng, đa phương tiện, được lan tỏa nhanh chóng, những tiếng nói, âm thanh ấy đã cùng chính quyền địa phương ổn định tình hình xã hội, tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của nhiều tầng lớp nhân dân.
“Những người làm báo phát thanh vẫn ngày đêm giữ gìn và phát huy bản sắc của tiếng nói Việt Nam. Đó là tiếng nói của chính nghĩa, sự thật, cảm xúc. Đó là tiếng nói thấm dần, thấm sâu, là người bạn đồng hành thân mật với thính giả để cùng chia sẻ và giãi bày mọi vấn đề trong cuộc sống", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ đánh trống khai mạc Liên hoan. (Ảnh: Thy Huệ).
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, gửi lời chúc mừng những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, văn nghệ sĩ đang công tác trong ngành phát thanh nhân ngày hội lớn của ngành, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 203 tác phẩm đã xuất sắc lọt vòng Vòng Chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trong chặng đường 77 năm xây dựng và trưởng thành, Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và ngành phát thanh nước ta nói chung đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, viết nên những trang sử oanh liệt, làm tròn sứ mệnh cao cả, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày nay, đất nước ta đang bước những bước tiến vững chắc trên con đường đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh đó, ngành phát thanh không ngừng lớn mạnh, hiện đại, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và dân tộc, luôn xứng đáng là tiếng nói của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Tiết mục văn nghệ chào mừng liên hoan.
“Tôi tán thành và đánh giá cao chủ đề của Liên hoan Phát thanh năm nay là “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên”. Đây cũng là nội dung quan trọng mà ngành phát thanh Việt Nam cần quan tâm trong những năm tiếp theo. Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới để vượt lên”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã đánh trống khai mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV - năm 2022.
Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV là dịp để những người làm phát thanh cả nước thể hiện cao nhất tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo nói. Cũng qua đó, những người làm nghề phát thanh cùng nhau suy ngẫm và nhìn lại, đặc biệt là 2 năm đầy dấu ấn và thử thách khi đất nước có những khó khăn trong phòng chống dịch.
Với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên", Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV có sự tham gia của hơn 800 đại biểu đến từ 86 đơn vị (gồm 63 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi).
203 tác phẩm của 86 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, cụ thể 65 tác phẩm thuộc thể loại Phóng sự; 37 tác phẩm thuộc thể loại phỏng vấn; 11 Câu chuyện truyền thanh; 57 Chuyên đề phát thanh; 33 Kịch truyền thanh; 34 chương trình phát thanh trực tiếp.