Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phải vay tiền đi học chứng chỉ nhưng không hiệu quả, giáo viên than khổ

(VTC News) -

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được giáo viên gọi là "giấy phép con" đang làm khổ giáo viên vì tốn kém cho người học mà lại không mang lại hiệu quả.

Tuần trước, kế toán liên tục hối thúc cô giáo T.T.H (Nghệ An) và các đồng nghiệp đăng ký học lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Lớp được quảng cáo, học 5 buổi online và có mức học phí 2,5 triệu đồng. Người kế toán còn "rỉ tai” chỉ cần có mặt một buổi để điểm danh cho có và bài thu hoạch sẽ được gửi về qua email, in ra rồi nộp lại. Giáo viên sẽ được hỗ trợ không phải học nhiều và sau một tháng nhận chứng chỉ.

Công tác trong ngành giáo dục đã lâu, lương cũng chỉ hơn khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng cô T.T.H phải bỏ ra một số tiền bằng tháng lương để đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Cô H. đang là giáo viên THCS hạng II nên cần lấy chứng chỉ hạng II, không phải để thăng hạng mà là để giữ hạng. Nếu sau này có cơ hội lên hạng I cô cũng phải đăng ký học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I tương ứng.

Học được một buổi, cô H thấy việc này "rất phí tiền". Nội dung chương trình học gói gọn trong 10 chuyên đề thì có đến 8 chuyên đề cô được tập huấn hoặc có trong nội dung bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong khi đó giảng viên giảng dạy hời hợt, không có kiến thức chuyên sâu. Việc học và điểm danh cũng cho có, mở máy đăng nhập 15 phút rồi lại đi làm việc khác. Đối với bài thu hoạch, nhà trường sẽ gửi email cho giáo viên. Họ chỉ cần in và nộp lại. 

“Bỏ ra số tiền 2,5 triệu đồng cho 5 buổi học online nhưng không mang lại hiệu quả rất lãng phí. Bộ GD&ĐT đã bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thì chúng tôi cũng mong mỏi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nhưng thông tư mới lại yêu cầu phải có loại chứng chỉ này khiến giáo viên rất thất vọng", cô H bức xúc.

Cô Đào Thị Nga (Hà Nội) tiếc đứt ruột khi bỏ ra số tiền 2,5 triệu đồng để đăng ký học. Lương chưa có nên cô phải vay tiền của một đồng nghiệp trong trường để nộp đủ. Trải nghiệm một buổi học online, cô Nga tỏ vẻ chán nản. Buổi học kéo dài khoảng 60 phút trong đó giáo viên phải mất 15-20 phút để ổn định vào lớp. Kiến thức giảng dạy cũng không có gì mới, đều là những điều cô đã được học. Tuy tiếc tiền và bực mình vì chất lượng buổi học không hiệu quả nhưng cô Nga và nhiều đồng nghiệp đành phải chấp nhận.

Cô Nga bày tỏ: “Trong khi lương giáo viên chỉ tăng vài trăm nghìn đồng nhưng bỏ ra gần 3 triệu đồng để học chứng chỉ về chẳng biết làm gì. Tôi cho rằng đây là quy định bất cập nhất hiện nay. Thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, biết bao giờ giáo viên mới hết khổ vì các quy định về chứng chỉ, giấy phép con”.

Phải bỏ ra số tiền lớn để học chứng chỉ, giáo viên rất bức xúc.

TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng, hiện có quá nhiều loại chứng chỉ không cần thiết, làm khổ giáo viên. Nếu chứng chỉ là những yêu cầu tối thiểu để đảm đương chức danh hướng đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn thực chất thì mới cho phép các loại chứng chỉ đó tồn tại.

Nhưng nếu đưa ra quy định đó mà lại bớt xén thời gian, chương trình học; không tổ chức, đánh giá chặt chẽ quá trình học; tổ chức biên soạn rất cẩu thả; tổ chức cấp phép cho các trường một cách tùy tiện dễ dẫn đến tiêu cực.

“Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt lại quy trình cấp các loại chứng chỉ này, mà cần thiết thì bỏ luôn cũng được”, ông Lê Viết Khuyến nói.

Đến ngày 20/3, trùm thông tư 01, 02 và 03 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, trong đó quy định rõ về tiêu chuẩn giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nếu không có loại chứng chỉ này giáo viên sẽ không giữ được hạng, thăng hạng đồng nghĩa họ sẽ không được tăng lương. Vì thế từ nay đến cột mốc đó, giáo viên nhiều địa phương bắt đầu đổ xô đi học loại chứng chỉ nêu trên dù biết rằng việc học này chỉ là hình thức, học cho có.

Vũ Ninh

Tin mới