Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thoát cảnh vừa dạy, vừa ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ, giáo viên mừng rơi nước mắt

(VTC News) -

"Không ít giáo viên trẻ bị lỡ cơ hội vào biên chế chỉ vì hai chứng chỉ 'quái đản', do vậy xoá bỏ được chứng chỉ ngoại ngữ, tin học chúng tôi mừng rơi nước mắt".

Cô Lê Ngọc Hà, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) vui mừng trước thông tin Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Nội vụ để bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong ngành giáo dục.

Hầu hết các giáo viên hiện nay đứng trên bục giảng đều sử dụng thành thạo máy tính từ soạn giáo án điện tử, làm slide hình ảnh các môn học, soạn văn bản... đây cũng là những đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc với giáo viên muốn đứng lớp dạy học. Do đó, việc thi để lấy chứng chỉ tin học trở nên vô nghĩa và gây tốn thời gian, tiền bạc cho giáo viên.

Theo cô Ngọc Hà, 12 năm học phổ thông, rồi 4 năm học đại học giáo viên được đào tạo nhiều kỹ năng tin học, trình độ tiếng Anh ở nhiều cấp độ khác nhau. Do vậy 2 chứng chỉ này từ lâu trở nên dư thừa, xoá bỏ nó là điều tất yếu.

Cô Nguyễn Thái Hoa, giáo viên dạy Lịch sử - trường THCS Minh Khai nhớ lại câu chuyện bản thân từng có thời gian ban ngày lên lớp dạy 8 tiết, tối về lại cắp sách đi ôn thi tiếng Anh và tin học ở các trung tâm.

"Để có được chứng chỉ tiếng Anh và tin học, tôi phải bỏ không dưới 7 triệu đồng, nhưng rồi hai chứng chỉ ấy cũng chỉ là tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hoặc điều kiện để dự thi vào biên chế, không phục vụ nhiều trong việc dạy học hàng ngày. Thậm chí không ít giáo viên trẻ bị lỡ cơ hội vào biên chế chỉ vì hai chứng chỉ "quái đản" ấy dù năng lực của họ rất giỏi. Bỏ được quy định chứng chỉ, chúng tôi mừng rơi nước mắt", cô Thái Hoa chia sẻ.

Tương tự, thầy Hoàng Văn Đức, giáo viên Toán - trường THPT Đống Đa cho rằng, năng lực ngoại ngữ và tin học phải được rèn luyện liên tục và xuyên suốt mới có trình độ tốt, chứ không phải vì bằng cấp. Giáo dục Việt Nam đang đổi mới, tự bản thân mỗi người phải có ý thức trau dồi hai kỹ năng này thay vì học chống đối, thi chống đối chỉ vì những chứng chỉ bắt buộc đã lỗi thời.

"Học sinh cấp 3 thời nay đa số có điểm IELTS từ 6.0 trở lên; các em cũng sử dụng tin học thành thạo, thậm chí có phần giỏi hơn giáo viên rất nhiều. Chúng ta phải coi đó là thách thức, là động lực để cố gắng tự trau dồi những kỹ năng này. Muốn dạy học trò giỏi thì trước tiên mình phải giỏi hơn trò", thầy Đức nhấn mạnh.

(Ảnh minh hoạ: GDTĐ)

Ngôi trường thầy Vàng Lao Lử (Mường Khương, Lào Cai) công tác có tới 99% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, với thầy Lử, học tiếng người đồng bào H’Mông quan trọng hơn việc có chứng chỉ ngoại ngữ. Hơn nữa, tuần nào thầy Lử cũng phải đi xe máy hơn 100 km về thành phố học chứng chỉ, rất vất vả.

Thầy Nguyễn Quang Diện, hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) chia sẻ, quy định yêu cầu giáo viên có chứng chỉ tiếng Anh, tin học là vô nghĩa đối với các giáo viên vùng cao. Tại các trường vùng cao đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc dạy các em biết và học được tiếng Việt là may mắn lắm rồi. Vì vậy các thầy cô không cần phải sử dụng đến ngoại ngữ trừ thầy cô dạy môn tiếng Anh.

Bên cạnh đó các quy định này cũng khiến giáo viên vùng cao vất vả trong việc cân đối thời gian dạy ở trường và học các lớp chứng chỉ. Ngoài ra số tiền cho một khóa học chứng chỉ tiếng Anh, tin học dao động từ 3 đến 7 triệu đồng. Đây là con số khá lớn so với thu nhập của giáo viên.

TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) ủng hộ việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên. Thầy Hòa cho biết, các trường tư thục không đặt nặng chuyện bằng cấp bằng các trường công lập. Trường đánh giá giáo viên qua năng lực chuyên môn được thể hiện bằng sản phẩm cuối cùng là học sinh.

"Tôi cho rằng các quy định về chứng chỉ chỉ là hình thức nếu không giúp nâng cao chuyên môn của giáo viên. Thực tế có trường hợp đi mua bằng để làm đẹp hồ sơ thì chúng ta sẽ đánh giá như thế nào”, TS Nguyễn Văn Hòa nói.

Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học từ lâu được xem như một loại giấy phép con hành giáo viên. (Ảnh: V.N)

PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, việc có chứng chỉ ngoại ngữ hay không hoàn toàn không quyết định trình độ của giáo viên. Muốn học giỏi ngoại ngữ phải có điều kiện và môi trường để thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc. Thực tế ở nhiều địa phương, giáo viên vùng sâu, vùng xa quanh năm bám bản, giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số thì không có môi trường để thực hành ngoại ngữ.

Ông đề xuất, Bộ có thể tham khảo và xây dựng các chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và thay đổi hệ quy chiếu đánh giá bằng các loại văn bằng, điểm số như hiện nay.

Ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Từng có nhiều phản ánh về những áp lực, cũng như tiêu cực khi giáo viên phải đi học để có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Bên cạnh đó, trên thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là hình thức, chưa thiết thực.

Dự kiến trong tháng 12/2020 các thông tư này sẽ được lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký, ban hành. Trong đó chắc chắn không còn quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, vì Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất bằng văn bản rằng việc bỏ quy định đó là cần thiết. Do vậy, giáo viên chưa học hoặc chưa có những loại chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc, ngoại ngữ 2 (với giáo viên dạy ngoại ngữ) hoàn toàn có thể yên tâm không cần đi học để “hợp thức hóa”.

Bộ cũng đang tính toán với những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp, để khi ra trường, giáo viên có đủ năng lực ngoại ngữ, tin học phục vụ công việc.

Mới đây Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 35 và Thông tư 40 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm công lập. Cả hai thông tư này đều bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng.

Hà Cường - Vũ Ninh

Tin mới