Cách đây vài ngày, chính quyền Trump cho phép nhóm của ông Biden bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Tập trung theo đuổi kiện tụng, nhà lãnh đạo Mỹ rất hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Các tuyên bố trên Twitter cũng vơi hẳn.
Nhưng giới quan sát cho rằng, im lặng không đồng nghĩa ông Trump chỉ ngồi đó và đợi tới ngày rời Nhà Trắng. Trong 2 tháng cuối, không loại trừ khả năng ông sẽ tận dụng quyền lực của mình để rải "đá tảng" ngáng đường chính quyền kế nhiệm.
Quyền ân xá cho phép ông Trump ban hành lệnh ân xá với những cái tên vướng vòng lao lý gây tranh cãi. Mới đây nhất, ông Trump ân xá cho Michael Flynn - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên của ông bị kết tội liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)
Trước trường hợp của ông Flynn, ông Trump đã ban 28 lệnh ân xá và 16 lệnh giảm án.
Các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng ông chủ Nhà Trắng ban hành một "làn sóng ân xá" trước khi rời nhiệm sở. Tương tự như trường hợp của cựu Tổng thống Bill Clinton. Chỉ hai giờ trước khi rời Nhà Trắng, ông ban hành tới 176 lệnh ân xá.
Bản thân ông Trump cũng đang sa lầy vào các cuộc điều tra dân sự và hình sự nên có thể ông đang tính tới khả năng ân xá cho chính mình và các thành viên trong gia đình trước nguy cơ bị kết một số tội như cản trở công lý.
Hiến pháp Mỹ không quy định Tổng thống có được ân xá cho bản thân hay không và lịch sử Mỹ cũng chưa từng ghi nhận trường hợp này. Nhưng nếu tính tới kịch bản trên, ông Trump có thể trao quyền cho Phó Tổng thống Mike Pence để ông Pence ký lệnh ân xá.
Tuy nhiên, có một thực tế là quyền ân xá của Tổng thống Mỹ không được mở rộng tới các tội trạng mà ông có thể bị cáo buộc ở các bang mà chỉ áp dụng với các tội danh cấp liên bang.
Theo Bloomberg, trong những ngày tới không loại trừ khả năng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ có thể sẽ tạo điều kiện để Văn phòng Cố vấn pháp lý soạn thảo các bản ghi nhớ nhằm bảo vệ ông Trump khỏi cuộc điều tra của chính quyền Biden trong tương lai.
Ông Trump cũng có thể ký các lệnh hành pháp thay đổi một số chính sách vào phút chót.
Chính quyền Trump đang xem xét một sắc lệnh tước quyền công dân với trẻ con được sinh ra ở Mỹ. Theo luật hiện hành, tất cả trẻ sinh ra ở Mỹ đều được tự động nhập tịch Mỹ bất kể cha mẹ chúng có phải là người Mỹ hay không. Một sắc lệnh do ông Trump ban hành có thể chấm dứt quy định này dù nó được nêu trong Tu chính án thứ 14.
Tuần tước, Bộ Tài chính Mỹ thu hồi 455 tỷ USD trong quỹ cứu trợ COVID-9 từ Cục Dự trữ Liên bang - động thái được cho là được thiết kế để chấm dứt các chương trình cứu trợ chưa được sử dụng.
Nó cũng rút bớt nguồn lực của chính quyền Biden trong nỗ lực chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế xuất phát từ đại dịch.
Ông Trump hiện vẫn nắm giữ các mã vũ khí hạt nhân. Dù là nhà lãnh đạo Mỹ đang tiến rất gần tới kỷ lục không kéo Mỹ vào bất cứ một xung đột nào trong gần 40 năm, một người khó đoán như Trump vẫn có thể kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller mới được ông Trump bổ nhiệm được cho là đang gấp rút thay đổi các chính sách có thể gây khó khăn cho chính quyền Biden. Trong số này có quyết định rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 15/1 tới.
Truyền thông Mỹ cách đây vài tuần loan tin, ông Trump hôm 12/11 từng tính tới phương án tấn công quân sự chống lại Iran nhưng rút lại khi được các cố vấn can ngăn.
Tất nhiên, các sắc lệnh mà ông Trump ký ban hành có thể bị chính quyền Biden đảo ngược. Nhưng một số quyết định liên quan tới nhân sự của vị tổng thống đương nhiệm có thể sẽ để lại tác động lâu dài.
Nhà lãnh đạo Mỹ có thể loại bỏ một loạt các nhân viên làm việc tại Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, đồng thời trám đầy phần còn lại của chính phủ và cơ quan tư pháp liên bang bằng những người trung thành với mình. Nhiều người trong số này ông Biden sẽ không thể loại bỏ.
Tới nay, ông Trump đã đề cử hoặc bổ nhiệm những người ủng hộ mình vào Ủy ban Bầu cử Liên bang, Ủy ban Truyền thông Liên bang và Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang. Có những người trong số này có thể duy trì của vị trí họ lâu hơn cả nhiệm kỳ 4 năm của ông Biden.
Không rõ, ông Trump đã tính tới kịch bản nào trong số các gạch đầu dòng trên hay chưa. Nhưng các chuyên gia cho rằng với những biến động suốt nhiệm kỳ vừa qua, đừng kỳ vọng vào hai tháng cuối êm ả trong Nhà Trắng.