Trong một bài phỏng vấn được đăng tải trên tờ New York Times hôm 23/4, vị cựu Thủ tướng Đức nói rằng một nước như Nga là không thể bị cô lập được.
Ông Putin và ông Schroeder trước đây. (Ảnh: AP)
"Công nghiệp Đức cần nguyên liệu thô mà Nga có. Đấy không chỉ là dầu khí mà còn là đất hiếm. Những nguyên liệu thô này đơn giản là không thể bị thay thế".
Theo ông Schroeder, khi cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay qua đi, "chúng ta sẽ phải quay trở lại giao dịch với Nga" và "chúng ta luôn làm vậy".
Tờ New York Times cũng lưu ý rằng cựu Thủ tướng Đức Schroeder luôn tin tưởng rằng hòa bình và thịnh vượng ở Đức và châu Âu sẽ luôn phụ thuộc vào đối thoại với Nga.
Bản thân đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nói với tuần báo Der Spiegel của Đức vào hôm 22/4 như sau: "Tôi không hề thấy một lệnh cấm vận khí đốt sẽ chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi muốn tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, tình trạng mất hàng triệu việc làm và tình trạng các nhà máy sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Điều này sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho đất nước chúng ta, cho toàn thể châu Âu và cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp tài chính cho tái thiết Ukraine".
Giới công nghiệp Đức cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Đức đã tuyên bố rằng việc cấm vận khí đốt Nga sẽ gây ra sự "sụp đổ các mạng lưới công nghiệp của chúng tôi".
Một nửa lượng khí đốt của Đức là được nhập từ Nga, 1/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu của Đức cũng đến từ Nga.
Theo ông Schroeder, Nga và Đức cần lẫn nhau. "Họ cần dùng dầu khí để có tiền cho ngân sách. Còn chúng ta cần dầu khí để duy trì nền kinh tế".
Cựu Thủ tướng Đức Schroeder vẫn là người có quan hệ cá nhân gần gũi với Tổng thống Nga Putin.