"Tôi nói rõ ràng và dứt khoát rằng, Đức đang loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói sau cuộc họp với các đối tác Baltic hôm 20/4.
"Chúng tôi sẽ giảm một nửa lượng dầu từ Nga vào mùa hè và giảm xuống con số 0 vào cuối năm. Tiếp đó, khí đốt sẽ theo lộ trình chung của châu Âu", Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết thêm.
Berlin đã thực hiện các bước để chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga nhưng vẫn cần thời gian để chấm dứt hoàn toàn.
Trước đó, trong cuộc họp báo ở London với Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 8/4, Thủ tướng Olaf Scholz cũng cho biết Đức có thể chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, gần đây đã tăng cường nỗ lực để giảm mức phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của Nga. Thống kê cho thấy dầu của Nga chiếm 25% lượng nhập khẩu của Đức tính đến đầu tháng 4, giảm so với mức 35% trước khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, việc ngừng nhập khẩu khí đốt được xem là quyết định khó khăn hơn đối với Đức. Quốc gia này nhập được 40% lượng khí đốt được giao từ Nga trong quý đầu tiên của năm nay.
Một số quốc gia châu Âu đã kêu gọi ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng của Nga. Trong tháng này, EU đã thông qua lệnh cấm đối với than của Nga, nhưng không thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của EU và cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu dầu của khối.
Tuy nhiên, EU vẫn lạc quan về khả năng tự loại bỏ khí đốt của Nga, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ có thể cắt giảm 2/3 lượng nhiên liệu tiêu thụ vào cuối năm nay. Theo Ủy ban châu Âu, nhiên liệu thay thế sẽ được nhập từ Mỹ, Na Uy và Azerbaijan. EU hiện chuyển khoảng 850 triệu USD cho Nga mỗi ngày để mua dầu và khí đốt của Moskva.
Mỹ đã cấm nhập dầu và khí đốt của Nga và Washington liên tục hối thúc EU làm điều tương tự. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết lấp đầy khoảng trống bằng khí tự nhiên hóa lỏng của Washington - loại nhiên liệu đắt hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu. Các quốc gia trong khu vực hiện thiếu cơ sở hạ tầng để lưu trữ với số lượng lớn.