Chiều 12/10, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội nghị Giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 của thành phố rất tốt, 72% tiêm mũi 2 là điều kiện rất quan trọng trong phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đến tháng 11, thành phố cần đạt 90% người được tiêm mũi 2 thì sẽ an tâm hơn, phục vụ hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân.
Về việc công bố kiểm soát được dịch COVID-19, theo ông Nhân, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thế nào là một tỉnh, thành phố kiểm soát được dịch. Do đó ông đề nghị nhanh chóng có hướng dẫn về vấn đề này để TP.HCM có cơ sở thực hiện kiểm soát dịch bệnh và phục hồi các hoạt động.
“Một ngày không quá 500 ca nhiễm mới tại một thành phố nghĩa là kiểm soát dịch, theo tiêu chí của châu Âu. Mỗi ngày, thành phố có khoảng 1.500 ca nhiễm mới, gấp 3 lần ngưỡng an toàn mới của châu Âu. Vậy nên cần có tiêu chí rõ ràng”, ông Nhân nói.
Thực tế hiện nay cho thấy khó có thể đạt “zero COVID”, nên thành phố cố gắng thực hiện phương châm “sống an toàn trong môi trường có dịch”. Về vấn đề này, ông Nhân cho rằng chưa đúng và không phù hợp. Ông đề nghị nên đổi thành "sống an toàn trong môi trường có lây nhiễm nhưng bình thường mới".
“Sống an toàn trong môi trường có dịch, tôi không đồng tình với cách nghĩ này, chúng ta cần sống an toàn trong bình thường mới. Chúng ta phải làm rõ, thế nào có dịch, thế nào không có dịch. Có dịch thì làm sao mà an toàn, chúng ta phải sống an toàn và làm việc trong môi trường có lây nhiễm nhưng bình thường mới, nghĩa là chung sống với lây nhiễm chứ không phải có dịch bệnh”, ông Nhân nói.
Quang cảnh hội nghị.
Trong xét nghiệm COVID-19 hiện nay, ông Nhân đề xuất, TP.HCM nên nghiên cứu xét nghiệm nhanh không phải dùng que chọc mà bằng phương pháp thở ra bằng hơi hoặc ngậm vì các nước trên thế giới cũng đang áp dụng phương pháp này. Hơn nữa với cách xét nghiệm này người dân có thể tự làm dễ dàng hơn.
Về phục hồi sản xuất kinh doanh của thành phố, theo ông Nhân, ngoài lo lắng khi người dân rời thành phố làm thiếu hụt lao động, doanh nghiệp cũng kêu cứu về chi phí, đặc biệt là khó khăn kinh phí trở lại sản xuất, chi phí xét nghiệm COVID-19, do đó thành phố cần có ngân sách cho doanh nghiệp duy trì trả lương, duy trì sản xuất, giãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
“Chi phí xét nghiệm của doanh nghiệp rất nặng nề với hàng trăm, hàng ngàn công nhân, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp chi phí xét nghiệm từ nay đến hết tháng 12”, ông Nhân đề nghị.
Ông Nhân cũng cho rằng, dự kiến tăng trưởng kinh tế thành phố sẽ là -5% mà chỉ tiêu là +6%, như vậy là thành phố phải cần tăng trưởng 11% mới đạt đúng chỉ tiêu đề ra. Do đó, việc thu ngân sách cũng phải tính toán kỹ, nếu không sẽ không hoàn thành, mục tiêu thu ngân sách 90% là không khả thi.