Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nữ thanh niên xung phong nương nhờ cửa Phật

(VTC News) -

Hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong với vết thương, ký ức bom đạn, cựu binh Bùi Thị Đoán tìm bình yên nơi cửa Phật, hàng ngày tụng kinh cầu quốc thái, dân an.

Video: Ký ức chiến tranh của cựu nữ thanh niên xung phong nương nhờ cửa Phật

Tiếng bom đạn dội từng hồi, tiếng bước chân chạy rầm rập trên nền đất đá để chuyên chở hàng hoá, vũ khí vào nơi an toàn, tiếng chỉ huy của đại đội trưởng Lê Nguyên Nhung và cả tiếng người ngã xuống... trong buổi chiều bi tráng của 56 năm trước tại ga Núi Gôi (Nam Định) luôn trở về trong ký ức nữ thanh niên xung phong Bùi Thị Đoán, đại đội 895 (C895), sư đoàn 559.

Cô gái sinh năm 1946, quê xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà, Thái Bình) năm xưa tình nguyện viết đơn gia nhập thanh niên xung phong nay đã buông bỏ bụi trần, “ăn mày cửa Phật” và trở thành trụ trì chùa làng Văn ở thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà với pháp danh Thích Đàm Đoán.

Người nữ thanh niên xung phong năm xưa đã chọn bình yên nơi cửa Phật.

Ký ức trận ga Núi Gôi

Tuổi trẻ, thầy từng ao ước được theo học ngành hàng hải. Ngành đó lại không lấy nữ.

“Tuổi trẻ, thầy từng ao ước được theo học ngành hàng hải. Ngành đó lại không lấy nữ. Ước mơ dang dở, tháng 12/1965, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thầy tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, đi mở đường, phục vụ cho tiền tuyến. Thầy gia nhập đơn vị C895, khi ấy được giao làm nhiệm vụ trên tuyến đường sắt và khu vực lân cận từ ga Núi Gôi đến ga Cát Đằng (Nam Định). Gần 1 năm sau thì xảy ra trận ở ga Núi Gôi".

Đôi mắt rưng rưng, sư thầy Thích Đàm Đoán nghẹn giọng nhớ lại buổi chiều 20/8/1966 tại ga Núi Gôi, nơi được coi là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường, là một trong những trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ.

Lúc ấy là 16h, một tàu quân sự vừa tập kết xong hàng hoá, chủ yếu là vũ khí, đạn dược, lương thực, hoá chất, chuẩn bị đi Thanh Hoá chi viện cho chiến trường thì máy bay Mỹ ập tới, bắn tên lửa, rải bom. Tàu bị trúng bom, một số toa bốc cháy.

Để bảo vệ hàng hoá và vũ khí chi viện, các chiến sĩ thanh niên xung phong C895 cùng người dân địa phương xông vào giữa làn khói và bom đạn, cõng từng bao tải gạo, vác từng thùng vũ khí...

“Không khí rất khẩn trương, không ai có cảm giác vác nặng”, sư thầy Thích Đàm Đoán nhớ lại.

Ga Núi Gôi được xem là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường. (Ảnh tư liệu).

Toa chở hoá chất ở cuối đoàn tàu cũng đang bốc cháy, khói toả nồng nặc. Cô gái 20 tuổi Bùi Thị Đoán cùng đồng đội không phút lưỡng lự, xông vào cứu hàng bất chấp làn khói mù mịt và mùi khét nồng nặc. Những thùng hoá chất bị bom phá vỡ khiến từng chiếc áo họ đang mặc chuyển dần sang màu vàng, nhiều người da phỏng rộp, có người ngất lịm.

Sau lần cứu hàng ấy, 23 người đã nằm xuống, trong đó có 12 thanh niên xung phong, 256 người bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu. Nữ thanh niên xung phong Bùi Thị Đoán may mắn sống sót nhưng mang trên mình di chứng của trận đánh này. 

- Mắt mờ, tai nghe không rõ, có thời kỳ liên tục chảy mủ, vết sẹo hằn lại trên tay... là di chứng của trận ga Núi Gôi 56 năm trước. Thầy từng đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Mỗi khi trái gió trở trời, vết sẹo lại thâm đen, đau nhức. Giờ nói chuyện với ai cũng phải nhìn miệng thì mới nghe, hiểu được.

- Dấu vết của trận ga Núi Gôi chắc hẳn còn để lại trên nhiều người?

- Trận chiến ấy vang danh khắp nơi nhưng đồng đội của thầy, người đã hy sinh, người bị thương tật, người sinh con ra không lành lặn... Khi còn ở thanh niên xung phong, thầy từng có thời gian có dấu hiệu tâm thần, hay đi lang thang, mò cua, bắt ốc ăn sống. Đoạn ký ức ấy thầy chỉ được biết qua lời kể của đồng đội. Phải chữa trị rất lâu, tinh thần mới ổn định trở lại.

Khát khao làm mẹ

Để lại tuổi 20 trên những tuyến đường đầy bom đạn, cựu binh Bùi Thị Đoán rời thanh niên xung phong, mang theo những di chứng của chiến tranh, không còn là nữ thanh niên khoẻ mạnh, có thể vác trên vai bao tải gạo chạy băng rừng, vượt núi.

Với thương tật 4/4, chị Đoán được phân công về Phòng Y vụ của Bệnh viện Việt Bun (nay là Bệnh viện Đa khoa Thái Bình).

Sức khoẻ yếu dần nhưng những nét thanh xuân vẫn còn vương trên cô gái quê hương "Chị Hai Năm Tấn". Xinh đẹp, trẻ trung, nhiệt tình với công việc, chị Đoán từng có rất nhiều người theo đuổi.

Những vết thương trên cơ thể luôn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời khiến sức khoẻ sư thầy Thích Đàm Đoán ngày một yếu.

Người phụ nữ ấy từng khát khao về một gia đình trọn vẹn, ở đó có tiếng cười nói của những đứa trẻ. Nhưng thực tại nghiệt ngã khiến chị phải chôn vùi ước mơ khi chứng kiến cảnh đồng đội lập gia đình, con cái sinh ra không lành lặn.

Cánh cửa này khép lại, chị Đoán lại gặp được cánh cửa khác mở ra cho cuộc đời mình. Đêm mùa hè năm 1971, một người phụ nữ gõ cửa phòng trực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Trong ánh đèn báo bão, bà đặt vào tay chị Đoán một bé trai. Mẹ của bé gửi con để đi vệ sinh nhưng không thấy quay lại, tìm mọi ngóc ngách đều không thấy.

Nhìn đứa trẻ khóc, cười trong tay mình, khát khao làm mẹ lại trỗi dậy trong lòng nữ cựu thanh niên xung phong.

“Lúc ấy, lãnh đạo bệnh viện không đồng ý để thầy nhận bé làm con nuôi vì sợ tuổi còn trẻ, chưa lấy chồng mà đã có con, dễ gây hiểu lầm. Nhưng bỏ qua tất cả, thầy quyết định nhận nuôi cháu như con đẻ và đặt tên là Bùi Văn Tuấn, lấy họ của mình”, sư Thích Đàm Đoán nói và chỉ vào tờ giấy khai sinh chưa một vết rách, được cất cẩn thận hơn 40 năm qua.

Ngày đó không có sữa, chị Đoán nấu gạo, lấy khăn mỏng, vắt nước cho bé Tuấn uống. Nhưng niềm hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, 2 tháng sau, bé Tuấn cũng rời bỏ cõi đời, bỏ lại người mẹ nuôi với những giọt nước mắt thương nhớ từng đêm.

 

Nương nhờ cửa Phật

Năm 1991, chị Đoán trở về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng cha mẹ đã không còn. Người phụ nữ cảm thấy lạc lõng ở chính nơi mình sinh ra.

“Sức khoẻ sa sút, không còn chỗ dựa, thầy nghĩ tới cảnh chùa và nương nhờ cửa Phật để tìm bình yên. Thời điểm thầy tới chùa Văn, sư cụ đã lớn tuổi, ốm yếu. Chùa xuống cấp, có phật tử đi mua tấm liếp về lợp cho khỏi dột chỗ nằm. Khi sư cụ viên tịch, thầy ở lại chăm nom chùa cho tới nay, dần sửa sang, tu bổ lại cảnh chùa”, sư thầy Thích Đàm Đoán nở nụ cười hiền trong tiếng chuông vang lên nơi chính điện chùa Văn.

Giấy khen của Ủy ban MTTQ huyện Hưng Hà tặng sư thầy Thích Đàm Đoán.

Ở tuổi 77, sư thầy vẫn bền bỉ bước đi trên con đường hạnh ngộ, ngày ngày tụng kinh niệm Phật cầu quốc thái dân an, thỉnh thoảng có dịp hội ngộ cùng đồng đội từng kề vai sát cánh với mình trên chiến trường năm xưa. Dấu vết thời gian đang dần hiện rõ trên cơ thể vị trụ trì ấy, nhưng dấu vết của chiến tranh cũng chưa bao giờ phai mờ. 

Hàng nghìn cô gái ở Thái Bình năm xưa đã gác lại những ước mơ tuổi trẻ để gia nhập thanh niên xung phong trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trở về giữa thời bình, gần 20 thanh niên xung phong tìm bình an nơi cửa Phật.

Và ở nơi cách chùa hàng chục cây số, ga Núi Gôi vẫn còn nhà bia tưởng niệm những người đã nằm xuống trong trận cứu hàng năm xưa. Mỗi dịp 20/8 hàng năm, đồng đội của sư thầy Thích Đàm Đoán lại về đây thắp hương, tưởng nhớ vong linh những người đã khuất.

Minh Khang - Nguyễn Huệ

Tin mới