Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ

(VTC News) -

Câu chuyện cuộc đời của những nữ cựu binh là sức chịu đựng, đức hy sinh, sự lạc quan, không ngại khó - điều đã được tôi luyện qua thời đạn bom khói lửa.

Xin mượn tựa cuốn sách “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của nữ tác giả Svetlana Alexeyevitr để đặt tựa đề cho bài viết về cuộc đời hậu chiến của những nữ cựu binh.

“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Đó không chỉ là tên cuốn sách, mà còn là câu chuyện của tôi và đồng đội - những nữ cựu binh. Với chúng tôi, chiến tranh không phải là phép cộng của những con số vô cảm hay những sự kiện kinh hoàng, mà là dòng hồi ức của cảm xúc mãnh liệt, của cái khát khao dữ dội trong bản năng con người. Và là những đau thương còn âm ỉ trong tâm hồn, dù khói súng chiến tranh đã chấm dứt”, bà Dương Thị The (81 tuổi), tâm sự.

Video: Nữ lái xe Trường Sơn Dương Thị The kể chuyện đời lính

 

Đon đả ra đón khách đến thăm nhà ở Sóc Sơn (Hà Nội), bà The nở nụ cười đôn hậu. Người phụ nữ cao khoảng 1m50, dù tuổi cao, sức không còn được như trước, nhưng vẫn toát lên vẻ rắn rỏi của một thời từng trải qua bom đạn.

Lội ngược dòng ký ức, bà kể cùng các chiến sĩ thuộc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn cầm lái các loại xe Zin 130, Gaz 51, Gaz 69. Trên trời máy bay địch quần thảo, dưới đất đầy bom bi, bom từ trường, họ không hề nao núng. Những chiếc Zin, Gaz vẫn ngày đêm cõng đạn dược, khí tài vào trận địa khiến cánh mày râu cũng phải nể phục.

- Chỉ là cô gái đôi mươi, khi bước vào chiến trường, bà có sợ không?

- Không! Tôi và tất thảy đồng đội nữ đều không sợ.

- Vậy đó có phải là minh chứng cho câu nói “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ”?

- Khi đã xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc, ai cũng như ai, không phân biệt trai, gái. Chiến tranh bào mòn sự nữ tính của những người phụ nữ, gọt giũa con người đến mức “không còn khuôn mặt phụ nữ”. Chúng tôi làm những việc chiến sĩ nam có thể làm, từ lái xe, thay lốp, vác súng đạn, vác thương binh... Tôi nhớ rõ nét đau đớn của cái Dung khi bị chiếc cờ lê va vào miệng, mẻ mất hai chiếc răng cửa trong lúc sửa xe; nhớ vẻ mặt mãn nguyện với đời, không còn chút hối tiếc của đại đội trưởng Viên trước khi mất do sự tàn phá của chất độc màu da cam…

 

Cẩn thận lấy bộ quân phục đang được treo trong góc tủ, bà The hồi tưởng về quá khứ xa xăm.

"Chuyện chiến trường" của bà Dương Thị The bắt đầu vào độ tuổi đẹp nhất, tham gia tình nguyện xung phong đi khai hoang, làm tuyến đường Yên Bái - Lào Cai từ năm 1964, sau đó chuyển về công tác tại sân bay Yên Bái.

Tết Mậu Thân 1968, chiến sự trên các mặt trận ngày càng ác liệt. Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Trải qua khóa huấn luyện 45 ngày tại Nghệ An, Thanh Hóa, đến 18/12/1968, tại vùng rừng núi thuộc xã Hưng Phổ (Hương Khê, Hà Tĩnh), đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ra đời với quân số 40 chiến sĩ.

Bà The kể, đội nữ lái xe nhận nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội phải đi sâu vào chiến trường, sang đất Lào.

 

Kỷ niệm in đậm trong tâm trí của nữ cựu binh là những lần hút xăng. Để lấy xăng từ thùng cho vào xe thì phải cắm vòi hút mồi, nam giới khỏe chỉ cần hút một hơi, chị em hút mấy hơi mới xuống. Nhiều người uống xăng liên tục. Đến giờ bà The vẫn đặt câu hỏi không biết có phải vì thế mà sau này hơn 10 cựu binh thuộc đội nữ lái xe mất vì ung thư?

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, nữ lái xe Trường Sơn nói: “Tôi và chồng quen nhau ở chiến trường. Ông ấy cũng là lính lái xe, đảm nhận công đoàn. Lúc rảnh rỗi, ông ấy thường sang đội nữ động viên, chúng tôi để ý nhau, lâu dần thì tình sâu nghĩa nặng. Năm 1970, chúng tôi kết hôn và có 4 con, nhưng thằng út mất rồi, khi nó vừa lên 5 tuổi. Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, xảy ra nhiều mâu thuẫn nên tôi và ông ấy không ở với nhau nữa. Giờ ông ấy cũng đã về với ông bà tổ tiên”.

Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, bà The vất vả nuôi nấng 3 con: “Hồi đó khó khăn lắm, trông cậy vào mấy sào ruộng. Tôi xin đi quét rác ở các khu công nghiệp, làm đủ thứ nghề để nuôi con. Nhưng đã là người lính, những năm tháng vào chiến trường lái xe, luôn đứng giữa sự sống và cái chết như thế mà cười hơ hớ với nhau, trở về đời thường cùng những trắc trở đó thì có sá gì. Mình may mắn hơn nhiều chiến sĩ khi được trở về sau chiến tranh, sức khoẻ cũng tốt khi giờ đã 81, chẳng có gì phải luyến tiếc”.

 

Được lời giới thiệu của bà The, phóng viên tìm gặp bà Vũ Thị Kim Dung, cũng là thành viên của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, đang sống tại phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội).

“Giống chị The, tôi tham gia thanh niên xung phong tại Lào Cai, rồi về sân bay Yên Bái. Năm 1968, khi có đợt kêu gọi thanh niên “đi B”, tôi hành quân vào chiến trường phía tây tỉnh Quảng Bình”, người phụ nữ có tác phong nghiêm nghị nói.

Theo bà Dung, chiến tranh của phụ nữ đơn giản là “sự chiêm nghiệm về con người”, là một mảng đời, một tuổi trẻ. Nó có những câu chuyện chưa bao giờ được nhắc tới trong cuộc chiến của đàn ông.

Đó là những kỳ kinh nguyệt khi đang làm nhiệm vụ giữa cái nóng gay gắt của núi rừng Trường Sơn. Bà Dung kể, họ phải tranh thủ xuống suối, hay xuống hố bom nào có nước giặt tạm đồ rồi đặt dưới nắp capô để hơi nóng làm khô đi, rồi dùng lại.

“Ngày ấy, chị em đều bị ghẻ lở. Có quần áo khô để mặc cũng là một điều xa xỉ”, bà Dung kể.

Năm 1972, trở về từ Trường Sơn mang thương tật 22%, bà Dung nhận nhiệm vụ đào tạo 2 khóa học viên gồm 300 lái xe nữ tại Trường Đào tạo Lái xe D255. Sau ngày thống nhất, bà lái xe con cho chủ nhiệm kho J112 của Cục Quản lý Xe máy, rồi về hưu với quân hàm thiếu tá.

Sau chiến tranh, đa số chị em trong đội trở về quê hương xây dựng gia đình, còn riêng tôi vẫn gắn bó với nghề lái xe. Có nhiều người cũng có ý dạm hỏi, mong muốn được kết đôi nhưng tôi đều từ chối, dự định ở vậy, đến khi nghỉ hưu thì về sống với mẹ già. Đến cuối những năm 80, tôi cũng gần 40 rồi, một người em trong đơn vị bảo có ông anh cũng là bộ đội, phóng viên chiến trường, vợ đã mất vì tai nạn, giờ đang gà trống nuôi 3 con”, bà Dung nói.

Nữ cựu binh kể, sau vài lần gặp mặt, cả hai người cũng cảm mến nhau, bạn bè cũng động viên rằng không thể sống mãi như thế được.

Một lần, ông ấy nhờ người em gửi đến tôi lá thư, trong đó có đoạn: “Anh biết em chịu nhiều thiệt thòi sau chiến tranh. Anh cũng thiệt thòi khi gà trống nuôi con nhiều năm. Chúng mình có thể bù đắp cho nhau được không? Nếu em đồng ý thì anh mới dám sang chơi…”. Có lẽ do duyên số, hay những dòng tâm sự chân thành của ông ấy khiến tôi cảm động. Chúng tôi xây dựng gia đình năm 1990”, bà Dung mỉm cười nói.

Nhưng cuộc sống hôn nhân của bà Dung không trọn vẹn, khi không được thực hiện thiên chức làm mẹ: “Phụ nữ ai cũng muốn lấy chồng rồi có con. Tôi làm vợ nhưng không được làm mẹ, đó là điều nuối tiếc khôn nguôi trong suốt cuộc đời này. Nhưng thôi, đó là số phận của mình. May mắn các con riêng của chồng đều yêu thương và tôn trọng tôi, như thế là mãn nguyện rồi”.

 

 

Dù trong hoàn cảnh nào, những nữ thanh niên xung phong vẫn toát lên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nhiều người còn vươn lên đạt được những thành công mới, nổi bật trong số đó là doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Thị Minh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ tổng hợp Hàng hải (Hải Phòng), Ủy viên Ban Chấp hành - Phó Ban Xúc tiến thương mại Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP Hải Phòng.

Cuối năm 1974, Nguyễn Thị Minh Hà khi chưa tròn 16 tuổi đã tình nguyện xung phong nhập ngũ trong không khí sôi sục của phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

“Thời điểm đó, tôi đang học dở lớp 9/10. Khi tham gia chiến trường, công việc của chúng tôi là mở đường 15C từ Nghệ An, Hà Tĩnh sang Lào. Hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khẩu phần ăn chỉ là nửa bát cơm, còn lại ăn hạt bo bo, rồi những cơn sốt rét run người… Hoàn thành nhiệm vụ, cả đơn vị được đưa vào An Giang để làm kênh H9. Sau đó, tôi được cử đi học quân y tại TP.HCM rồi điều về công tác tại Sư đoàn 471”, bà Hà kể.

Sau 6 năm tại Tây Nguyên, Thiếu uý Nguyễn Thị Minh Hà được chuyển ngành công an, về làm bệnh xá ở Trường Công an Hải Phòng. Đến năm 1989, Trường Công an Hải Phòng sáp nhập với Học viện Cảnh sát Nhân dân, bà Hà xin ở lại Hải Phòng và được điều về làm y sĩ tại Cửa khẩu Cảng Hải Phòng.

Với nghị lực của một chiến sĩ Trường Sơn, bà Hà xác định học để biết, học để cho cuộc sống và học để khẳng định mình. Vì thế, dù bận rộn công việc, cuộc sống gia đình, bà cố gắng, sắp xếp thời gian tự học để có được tấm bằng cử nhân Luật và thành thạo 2 ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Trung.

“Năm 2000, sau 25 năm phục vụ trong quân ngũ, khi đang giữ quân hàm thiếu tá, tôi quyết định làm đơn xin nghỉ hưu ở tuổi 41 để tìm hướng đi riêng, để thoát nghèo. Việc quyết định nghỉ hưu, cả gia đình, bạn bè đều nghĩ tôi là người không bình thường”, bà Hà kể lại.

Về đời thường, cởi bộ quân phục, khoác lên mình chiếc áo “thường dân” với khát khao “làm doanh nhân” đôi lúc khiến bà Hà cảm thấy chống chếnh, bởi trước đây, tất cả đều được bao cấp, đến tháng là có lương, cuộc sống ổn định.

“Ban đầu, mọi thứ đều bỡ ngỡ, bản thân chưa có kinh nghiệm cũng như sự nhanh nhạy của kinh tế thị trường. Tôi luôn tâm niệm rằng, cho dù ở hoàn cảnh nào, mình cũng phải hoàn thành tốt mọi việc, đó là phẩm chất của một người lính”, bà Hà chia sẻ.

Nữ thanh niên xung phong ngày nào cho rằng, chính sự gian khổ đó lại là động lực để bà cố gắng, vượt lên chính mình. Trong đơn vị luôn có đồng chí, đồng đội, nhưng ra thương trường phải đơn thương độc mã, xung quanh là sự cạnh tranh khốc liệt. Do có vốn ngoại ngữ, lại có thời gian làm ở Công ty Dịch vụ Hàng Hải của Bộ đội Biên Phòng, bà Hà nhận thấy Hải Phòng là nơi làm dịch vụ hàng hải rất tốt. Bà quyết định lập công ty chuyên về lĩnh vực hàng hải đầu tiên tại thành phố Cảng.

“Hơn 20 năm từ bỏ công việc ổn định, chuyển sang kinh doanh, tôi nếm đủ đắng cay, ngọt bùi. Những thời điểm khó khăn, tiếc tiền thuê nhân công, giám đốc phải kiêm nhiều việc, từ marketing, dịch thuật hợp đồng, đến kiểm tra hàng hóa, thủ quỹ... Có lần công ty được hợp đồng cung cấp thực phẩm cho tàu nước ngoài, ông bếp trưởng người Nga không giỏi tiếng Anh. Họ đặt 1 tấn thịt bò không xương nhưng tôi nghe thế nào lại nhầm là 1 tấn xương bò. Sau khi cấp lên tàu, tàu trả lại, dở khóc dở cười. Đánh xe chở 1 tấn xương bò về không biết đổ đi đâu? Đấy là chưa kể số tiền mua xương phải bù”, bà Hà nhớ lại.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Minh Hà cũng không quên những năm tháng gian khổ, bà được sống trong vòng tay bạn bè, sự đùm bọc của nhân dân nơi đóng quân. Vì vậy, khi việc kinh doanh gặt hái được những thành công nhất định, bà đã đi thăm và tặng quà cho nhiều hộ gia đình tại Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh.

“Tôi may mắn khi không bị nhiễm chất độc da cam như nhiều người khác, nên luôn canh cánh trong lòng, làm sao có thể xoa dịu nỗi đau trên da thịt, trong tâm trí của đồng đội và những đứa con của họ”, bà Hà xúc động nói.

Hiện nay, niềm tự hào nhất của bà Hà là cùng Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh, Hội Nữ doanh nhân chia sẻ khó khăn với phụ nữ yếu thế và những mảnh đời bất hạnh. Bà Hà cùng các cộng sự đã xây dựng 5 cơ sở đào tạo nghề cho phụ nữ khuyết tật và phụ nữ sau khi thi hành án tù trở về hoà nhập với cộng đồng.

“Ngày 20/3 vừa qua, Hội Nữ doanh nhân TP Hải Phòng nhận nuôi 105 trẻ mồ côi của thành phố, đảm bảo cuộc sống và học tập cho các em đến khi 18 tuổi. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng ủng hộ tiền và hàng với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng cho các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến ở Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM”, bà Hà chia sẻ.

Theo bà Hà, quân đội là một trường đại học lớn, đã cho bà vốn quý nhất để khởi nghiệp - đó là nghị lực, kiên cường, tinh thần vượt khó để khi trở về với đời thường phát huy được phẩm chất của một quân nhân.

 

Sau ngày chiến thắng, những cô gái còn lại gì? Là chiến sĩ, dĩ nhiên họ được vinh danh bởi lòng quả cảm và những chiến công hiển hách. Nhưng rồi tất cả vinh quang đó cũng qua đi. Họ không thể mãi sống với nó. Họ vẫn phải tiếp tục cuộc sống trong thời bình như bao phụ nữ khác, làm việc, lấy chồng, sinh con.

Tuy vậy, tuổi thanh xuân qua đi trong đại ngàn, những cơn sốt rét và mưa bom bão đạn, khiến việc lập gia đình của nhiều cô gái như lỡ nhịp, cứ trúc trắc, chông chênh. Không ít người mơ hồ nhận thấy những ẩn họa len trong cơ thể, đã chôn chặt khát khao làm vợ, làm mẹ… Nhiều người khác có chồng lại quá vất vả, ngược xuôi với cuộc mưu sinh.

Khi được hỏi liệu có hối hận không, bà Vũ Thị Kim Dung đáp: "Tất nhiên là không rồi! Vì trên tất cả, tôi đã góp phần giành lại độc lập cho dân tộc".

Ẩn chứa sau những câu chuyện cuộc đời ấy, là sức chịu đựng, đức hy sinh, sự lạc quan, không ngại nhận phần khó, khổ về mình - những điều đã được tôi luyện qua thời đạn bom khói lửa.

Cả bà Dung và đồng đội Dương Thị The đều cho rằng, thời thanh niên sôi nổi, sống hết mình cho lý tưởng đã cho họ kỷ niệm đẹp, tình đồng đội thiêng liêng.

“Hơn chục chị em đã mất, người còn thì cũng ốm đau bệnh tật. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều người đi lại vất vả, nhưng nếu có dịp, chúng tôi lại tề tựu đông đủ. Ôn lại những năm tháng tuổi trẻ, động viên nhau luôn giữ tinh thần của thanh niên xung phong, không chịu khuất phục dù bất kỳ điều gì. Cứ lạc quan, vui tươi như bài thơ anh Phạm Tiến Duật đã dành tặng cô bộ đội lái xe: Em là cô bộ đội lái xe/ Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy/ Cái buồng lái là buồng con gái/ Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang/ Em đã qua và em đã sang/ Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ/ Đất nước mình nhiều điều giản dị/ Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi”, bà The nói.

 

Còn đối với doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Thị Minh Hà, niềm vui của bà là làm được nhiều việc có ích, giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

"Quân đội, chiến trường đã cho tôi vốn quý nhất để khởi nghiệp, đó là nghĩa tình đồng đội, là tinh thần thép và ý chí bền bỉ của người lính. Tôi nghĩ, khi mình có một chút của cải, cần giúp đỡ những người nghèo khó, những gia đình cựu chiến binh không may mắn và xem đó như trách nhiệm của những người còn sống hôm nay", bà Hà bộc bạch.

Anh Văn (Đồ họa: Đức Anh)

Tin mới