Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nới room tín dụng thêm 240.000 tỷ: Cơn mưa cho cánh đồng thanh khoản khô hạn

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, qua đó có dư địa khoảng 400.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm, tạo ra nền tảng tốt cho kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Lời giải cho bài toán vốn cấp bách?

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tương đương tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm.

Theo NHNN, hiện tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12,2%, thấp hơn chỉ tiêu mới 3,8%. Theo tính toán của Chứng khoán SSI, tổng hạn mức tín dụng cho phần còn lại của tháng 12 là khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy chính sách linh hoạt, kịp thời của NHNN để giải quyết vấn đề thanh khoản của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023.

Giám đốc Khối Phân tích CTCK VnDirect Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, thời điểm này, lạm phát trong nước và trên thế giới phần nào được kiểm soát, các nền kinh tế lớn cũng đưa ra thông điệp sẽ giảm đà tăng lãi suất điều hành. Vì vậy, việc NHNN đưa ra quyết định tăng hạn mức tín dụng là phù hợp và kịp thời, nhằm xoa dịu căng thẳng thanh khoản tại thị trường vốn hiện nay, thời điểm mà nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất cấp bách. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm đạt 12,2%. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

NHNN sẽ có những quyết định về tỷ lệ phân bổ cho từng ngân hàng, theo nguyên tắc ưu tiên các nhà băng có thanh khoản tốt, nỗ lực cắt giảm lãi suất để hỗ trợ DN…

Tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng và thị trường tự do cũng đang giảm mạnh, giảm 3,9 - 4,7% so với cao điểm trước đó.

Cũng theo bà Khánh Hiền, việc NHNN nới room tín dụng là tín hiệu tích cực cho toàn bộ các ngành nghề cũng như lĩnh vực bất động sản (BĐS), trong bối cảnh nền kinh tế đang nghẽn dòng tiền và những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (một kênh dẫn vốn quan trọng) vẫn chưa được tháo gỡ.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quyết định của NHNN đưa ra vào thời điểm thích hợp để bơm vốn cho nền kinh tế, như "cơn mưa rào tưới mát những DN đang trầy trật vì khát vốn". Việc thúc đẩy vốn tới DN không chỉ giải được bài toán duy trì hoạt động, đảm bảo công việc và lương thưởng cuối năm cho người lao động mà còn tạo nền tảng tốt cho kế hoạch kinh doanh của các công ty trong năm 2023, tạo đà cho kinh tế phát triển.

Khó bơm vốn nhưng triển vọng tích cực

Mặc dù room tín dụng được nới nhưng hệ thống ngân hàng đang gặp khó trong hoạt động cho vay do tăng trưởng huy động thời gian qua thấp, tới tháng 10 mới đạt 4,8% so với mức tăng trưởng tín dụng 11,5%. Nhiều ngân hàng gần đây tăng mạnh lãi suất huy động, từ mức khoảng 5% lên ngưỡng 9-10%/năm.

Theo TS Hiếu, các ngân hàng cũng bị hạn chế cho vay trung và dài hạn do quy định của NHNN với tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 34%, áp dụng từ ngày 1/10/2022. Các DN BĐS và các công trình đầu tư dài hạn đang phải chịu tác động bởi quy định này.

Đây là lý do khiến nhiều nhà băng phải đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất cao và có thể sẽ phải tăng lãi suất thêm.

Theo bà Khánh Hiền, việc bơm vốn cho thị trường BĐS hiện nay là bài toán phức tạp và cần sự cân nhắc kỹ lưỡng. Trong bối cảnh khó vay vốn ngân hàng, thị trường trái phiếu “chao đảo” và bán hàng trầm lắng, nhiều nhà phát triển BĐS chứng kiến dòng tiền dần cạn kiệt. Doanh nghiệp địa ốc đuối sức và có thể rời bỏ thị trường. Tác động của thị trường BĐS vào hệ thống tài chính ngân hàng là rất lớn. 

Trái phiếu đáo hạn trong 2022-2023. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Theo bà Hiền, việc hướng tín dụng vào sản xuất hiện nay cũng chưa hẳn là khả thi bởi các hoạt động sản xuất đang có xu hướng chậm lại do nhu cầu thế giới suy giảm.

"Tuy nhiên, việc đưa dòng vốn vào BĐS cần có sự chọn lọc, và hướng tới đối tượng cụ thể. Hiện vẫn có những doanh nghiệp BĐS tốt, có sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đây sẽ là những đối tượng và phân khúc BĐS cần được hỗ trợ trong giai đoạn này", bà Hiền bày tỏ.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, tháng 12 là thời gian kinh doanh nhộn nhịp nhất, nhu cầu vốn trước Tết hết sức mạnh mẽ. Vì vậy, việc mở room tín dụng thời điểm này được xem là gia tăng nguồn cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tiêu dùng và kinh tế phát triển. 

Tuy nhiên, số ngày còn lại của năm 2022 không nhiều nên tác dụng cung ứng vốn có phần bị giới hạn. Dù vậy, quyết định nới room giúp giảm bớt áp lực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau khoảng thời gian nhiều doanh nghiệp, nhất là trong nhóm BĐS, đôn đáo mua trái phiếu trước hạn, giúp giảm thiểu rủi ro ở thị trường này. 

Điểm tích cực hiện tại chính là sự ổn định của các chỉ số vĩ mô quan trọng nhất, trong đó có tỷ giá và lạm phát.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới