TAND tỉnh Cao Bằng vừa ban hành quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự liên quan vụ gia đình cụ Nguyễn Thị May (84 tuổi, ở TP Cao Bằng) và 2 con là Trần Thị Nga (57 tuổi) cùng ông Trần Ngọc Hùng (52 tuổi) bị bắt oan trong vụ quân nhân Lê Danh Tân bị đánh chết hồi tháng 2/1988.
Theo tài liệu vụ án, rạng sáng 8/2/1988, anh Tân bị đánh chết và đẩy xuống hố phân lợn sau nhà cụ May. VKS Quân sự tỉnh Cao Bằng (nay là VKS Quân sự Quân khu 1) sau đó bắt giữ, khởi tố 3 mẹ con cụ May về tội "Giết người". Tuy nhiên, do không đủ căn cứ buộc tội, cụ May, bà Nga và ông Hùng lần lượt được thả. Thời gian họ bị giam giữ lần lượt là 2 tháng, 9 tháng và 2 năm.
Sau hơn 30 năm không tìm được tiếng nói chung với VKS về hướng giải quyết vụ việc, tháng 10/2021, gia đình quyết định khởi kiện VKSQS Quân khu 1, đề nghị xin lỗi công khai và bồi thường. Ban đầu, gia đình yêu cầu tổng số tiền 15 tỷ đồng cho các chi phí các như tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thu nhập, chi phí kêu oan, thuê luật sư... Số tiền này sau đó được điều chỉnh còn 10 tỷ đồng.
Năm 2022, sau nhiều phiên hòa giải, phía nguyên đơn (gia đình cụ May) và bị đơn (VKSQS Quân khu 1) đi đến thống nhất về số tiền đền bù là 5 tỷ đồng. Ngoài ra, VKS có trách nhiệm giao quyết định đình chỉ điều tra bị can cho 3 mẹ con cụ và xin lỗi công khai trên báo.
Theo chia sẻ của cụ May, Thượng úy Lê Danh Tân (SN 1959, cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng) là bạn thân của anh Lê Văn Trường, cháu ruột cụ May. Người này thường ghé nhà cụ May chơi và ngủ lại. Sau khi anh Trường mất năm 1986, anh Tân vẫn hay qua lại và được gia đình coi như cháu trong nhà.
"Gia đình tôi luôn yêu mến, coi Tân như con cháu trong nhà. Không ngờ có ngày tôi bị bắt và kết tội là kẻ chủ mưu sát hại cậu ấy", người phụ nữ 84 tuổi chia sẻ.
Nhớ lại buổi tối định mệnh ngày 7/2/1988, cụ kể hôm đó, anh Tân đi chơi ở tỉnh đội về muộn. Quân nhân này ghé qua xin ngủ nhờ, sáng hôm sau dậy sớm trở về đơn vị.
Khoảng 23h30, anh Tân đàn hát cùng con trai cụ May rồi đi ngủ. Hôm đó, quân nhân này được cụ May cho 3 đồng để đi đường vào ngày hôm sau.
Tới khoảng 4h sáng, cả gia đình bị đánh thức bởi những tiếng loảng xoảng phát ra từ bể nước sau nhà. Cụ May đã đánh thức các con và gọi hàng xóm ra kiểm tra. Tại hiện trường, mọi người ngỡ ngàng thấy anh Tân đã bị ai đó hành hung rồi đẩy ngã chúi đầu xuống hố phân lợn.
Mọi người kéo nạn nhân lên, thay quần áo, sơ cứu và đưa vào trạm xá. Do vết thương nặng, anh Tân được chuyển xuống cấp cứu tại bệnh viện tỉnh nhưng không qua khỏi. Hai ngày sau, ông Hùng bị bắt. Sau đó, lần lượt cụ May và bà Nga cũng bị tạm giam.
Cụ May cùng luật sư sau một buổi làm việc tại VKSQS Quân khu 1. (Ảnh: Hoàng Linh).
Nhớ về thời điểm đó, trong ánh mắt người phụ nữ năm nay đã ở tuổi 84 toát lên sự uất nghẹn. "Nhà tôi trước giờ chẳng mâu thuẫn gì với mọi người nên chẳng biết nghi ngờ ai ra tay hãm hại. Tôi chỉ biết rằng thời điểm nghe tiếng động, cả mấy mẹ con đều đang ngủ trong nhà. Chúng tôi đều không biết chuyện gì đã xảy ra, làm sao có thể là kẻ giết người được", cụ kể lại.
Theo tài liệu vụ án, ông Hùng đã nhận tội và khai do muốn chiếm đoạt súng K54 của anh Tân để bán lấy tiền tiêu nên sau khi gọi quân nhân này dậy đã cầm chày đánh nhiều nhát vào đầu, mặt nạn nhân. Sau đó, ông Hùng xốc nách, kéo và ném anh Tân vào bể chứa phân.
VKS Quân sự tỉnh Cao Bằng khi đó đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với 3 mẹ con cụ May về tội "Giết người". Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng nhận thấy lời khai này có nhiều mâu thuẫn. Thực nghiệm hiện trường, ông Hùng không tái hiện được hành vi giết người như đã khai nhận. Và hành động đó không đúng với cơ chế hình thành vết thương trên người anh Tân.
Sau khi không đủ căn cứ kết tội, cơ quan điều tra lần lượt trả tự do cho 3 mẹ con cụ May. Ngày 20/1/1990, ông Hùng là người cuối cùng được ra tù. Cũng từ đó, hành trình đi tìm công lý được bắt đầu.
"Ngày đó, nhà cứ gom được đồng nào là tôi lại mang đi kiện, cứ có tiền là lại đi. Mỗi tháng 1-2 lần, mỗi lần 2-4 ngày, tôi lại một mình xuống Hà Nội tìm gặp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền", người phụ nữ 84 tuổi kể.
Thời điểm đó, do không đủ tiền mua vé xe khách nên cụ phải xin đi nhờ ôtô tải xuống Hà Nội. May mắn gặp người tốt bụng cho lên xe, nếu không thì cứ đi bộ "được bước nào thì bước". Mỗi lần xuống Hà Nội, nhanh thì một ngày, không thì 2 ngày, cụ May mới tới nơi.
"Kinh tế khó khăn, hành trang tôi mang theo người chỉ có manh chiếu cũ, mảnh chăn chiên cùng vài nắm cơm nguội. Xuống đến nơi, không có tiền thuê nhà nghỉ, tôi đành phải tìm đến bến xe xin ngủ nhờ", cụ kể lại.
Hàng trăm lá đơn kêu oan được gửi đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm dài đằng đẵng, những lá đơn của gia đình đều không được hồi âm.
"Ngày đó, 3 người con trai phải đi làm thuê, làm mướn để gom góp tiền cho tôi đi kêu oan. Thời điểm kinh tế gia đình đã cạn kiệt, tôi phải chuyển qua gửi thư bằng đường bưu điện. Suốt nhiều năm, mỗi khi thấy những vụ án oan sai xuất hiện trên báo đài, tôi lại gửi thư kêu oan nhưng không được hồi âm", cụ May chia sẻ.
Cụ May trong buổi trò chuyện với Zing về vụ việc đã xảy ra. (Ảnh: Hoàng Linh).
Mãi tới năm 2019, với sự trợ giúp pháp lý của luật sư, những tia sáng đầu tiên xuất hiện. Những lá đơn của gia đình đã được hồi âm song kết quả không mấy khả quan.
Nhớ lại thời điểm đó, luật sư Hà Công Tâm (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cụ May) cho biết khi tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ vụ việc, ông nhận định do 3 mẹ con chưa nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can, thời hiệu yêu cầu bồi thường theo pháp luật của họ vẫn còn.
Tuy nhiên, khi làm việc với VKS Quân sự Quân khu 1, đơn vị này đều giữ nguyên lập trường cho rằng đã giao đầy đủ quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và quyết định đình chỉ điều tra bị can cho gia đình. Do đó, thời hiệu yêu cầu bồi thường đã hết và VKS từ chối việc bồi thường cũng như xin lỗi công khai gia đình.
Tới tháng 10/2021, khi vụ việc được đưa ra giải quyết tại TAND tỉnh Cao Bằng sau khi gia đình có đơn khởi kiện, ông Tâm cho biết VKS mới chấp nhận thỏa thuận. Đơn vị này chấp nhận với số tiền đền bù 5 tỷ đồng cho 3 mẹ con cụ May, giao Quyết định đình chỉ điều tra bị can tới từng người, đồng thời xin lỗi công khai trên 5 số báo của Báo Cao Bằng.