Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nỗi ám ảnh thua tuyển trẻ Việt Nam phơi bày khủng hoảng của bóng đá Thái Lan

(VTC News) -

Bóng đá Thái Lan trải qua 10 tháng đầu năm 2022 đáng quên với những thất bại triền miên trên mọi đấu trường, trong đó có những trận thua trước các đại diện Việt Nam.

Tại SEA Games 2019, các đội U22 dự giải được phép bổ sung tối đa 2 cầu thủ quá tuổi. U22 Thái Lan quyết định không sử dụng quyền lợi này. HLV Akira Nishino muốn tận dụng SEA Games là nơi rèn quân cho giải U23 châu Á 2020 - nơi Thái Lan đóng vai trò chủ nhà.

U22 Thái Lan ở thời điểm đó là đương kim vô địch, cũng là đội giàu truyền thống nhất SEA Games. Nhưng sau 3 năm, cục diện đã thay đổi. Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan Chaiyaphak Siriwat khẳng định nếu U23 Thái Lan không vô địch SEA Games 32, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung sẽ bị cách chức.

Bóng đá Thái Lan lại khao khát SEA Games, giải đấu mà đội U23 xứ Chùa vàng từng vô địch nhiều lần nhẹ tựa lông hồng. SEA Games là mỏ neo cứu cánh cho người Thái sau quãng thời gian dài chơi kém cỏi.

Video: U17 Việt Nam 3-0 U17 Thái Lan

Thất bại toàn diện ở giải trẻ

Chức vô địch AFF Cup 2020 là cú hích quan trọng, giúp đội tuyển Thái Lan tái khẳng định vị thế ở khu vực Đông Nam Á. Ở giải đấu trên đất Singapore, thầy trò HLV Mano Polking thắng 7, hòa 1, chỉ không ghi bàn trong 1 trận.

Tuy nhiên, thành công của đội tuyển Thái Lan chưa thể đánh thức sức mạnh của cả nền bóng đá. Bước sang năm 2022, các đội trẻ Thái Lan đã thua toàn diện trên mọi sân chơi, trong đó có những thất bại trước kình địch Việt Nam. 

Ở giải U23 Đông Nam Á 2022, U23 Thái Lan sau khi thua 0-1 trước U23 Việt Nam ở vòng bảng, đã thua tiếp 0-1 trước đội bóng của HLV Đinh Thế Nam ở chung kết dù U23 Việt Nam thi đấu với đội hình chắp vá do có nhiều cầu thủ mắc COVID-19.

U23 Thái Lan thua toàn diện trước U23 Việt Nam trong năm 2022.

Tại SEA Games 31, U23 Thái Lan lọt vào chung kết, nhưng một lần nữa bại trận trước U23 Việt Nam cũng với tỷ số 0-1 trên sân Mỹ Đình.

Ở giải U23 châu Á 2022, U23 Thái Lan tiếp tục gây thất vọng. Nằm cùng bảng U23 Hàn Quốc, U23 Việt Nam và U23 Malaysia, mục tiêu của đội bóng do HLV Worrawoot Srimaka dẫn dắt là tái lập thành tích vào tứ kết như năm 2020. Nhưng, U23 Thái Lan phải sớm rời giải với 4 điểm, kém đội nhì bảng U23 Việt Nam 1 điểm.

Ám ảnh thất bại đeo bám bóng đá Thái Lan ở nhiều cấp độ khác ngoài U23. U19 Thái Lan bị loại ở bán kết giải U19 Đông Nam Á 2022 sau thất bại gây sốc trước U19 Lào. Ở vòng loại U20 châu Á 2023, U20 Thái Lan đứng nhì bảng và phải đợi kết quả của một bảng đấu (khởi tranh vào hôm nay 14/10) để biết liệu có được dự vòng chung kết hay không.

U16 Thái Lan gây thất vọng khi thua ở bán kết U16 Đông Nam Á trước U16 Việt Nam. Tại vòng loại U17 châu Á 2023, đội trẻ xứ Chùa vàng thua tan nát 0-3 trước U17 Việt Nam. May mắn là U17 Thái Lan có vé đi tiếp khi là một trong năm đội vị trí nhì bảng xuất sắc nhất. 

Đội tuyển Thái Lan cũng chơi không thành công tại King's Cup 2022 khi thua Malaysia ở bán kết sau loạt đá luân lưu. HLV Mano Polking bị kêu gọi phải từ chức, bởi "Voi chiến" trình diễn bộ mặt nhạt nhòa dù có ngôi sao Chanathip Songkrasin trong đội hình.

Cơn thịnh nộ của CĐV Thái Lan là có cơ sở, khi Thái Lan đã đánh mất vị thế ở mọi đấu trường. Tính sau SEA Games 2017 đến nay, bóng đá trẻ Thái Lan không chỉ thua thiệt hoàn toàn trước Việt Nam (hòa 7, thua 9 sau 16 trận), mà còn để Malaysia và Indonesia vượt mặt.  

Chức vô địch các giải U16, U19, U23 trong năm 2022 lần lượt thuộc về Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Bóng đá xứ Chùa vàng chỉ có thành tích tốt nhất là vào chung kết.

Cầu thru U17 Thái Lan đổ gục sau thất bại trước U17 Việt Nam. 

Trong khi đó, bài đăng về kết quả trận đấu trên trang Facebook chính thức của Hiệp hội bóng đá Thái Lan xuất hiện hàng loạt bình luận chỉ trích từ người hâm mộ.

Tài khoản Nat Panichkul bình luận: "Đã đến lúc các bạn phải làm gì đó cho bóng đá Thái Lan bằng cách chịu trách nhiệm cho công tác quản lý. Chúng tôi thấy bóng đá Thái Lan không có tương lai".

Khủng hoảng niềm tin

Tại cuộc họp Ủy ban điều hành của Ủy ban Olympic Thái Lan hôm 10/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan, ông Chaiyaphak Siriwat khẳng định: "Ở các môn thi nổi bật như bóng đá, thể thao Thái Lan cần thể hiện sức mạnh và phải giành được HCV. Nếu không thành công, thì người đứng đầu Liên đoàn môn thi này (ông Somyot Poompanmoung, chủ tịch FAT) sẽ bị cách chức". 

Sau 3 năm, bóng đá Thái Lan trở lại với mục tiêu Đông Nam Á. Những danh hiệu trong khu vực trong quá khứ tạo bàn đạp để Thái Lan đặt mục tiêu châu Á, nhưng thất bại toàn diện ở các cấp độ như đội tuyển quốc gia, U23 khiến Thái Lan chơi vơi. "Voi chiến" từng đủ cho Đông Nam Á, nhưng lại thiếu cho châu Á.

Và ngay cả cái đủ của Thái Lan ở Đông Nam Á giờ cũng không còn. Quãng thời gian bóng đá Thái Lan đi xuống cũng là lúc bóng đá Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ. Dưới bàn tay huấn luyện của HLV Park Hang Seo, các đội tuyển Việt Nam chỉ 1 lần thua Thái Lan suốt 5 năm qua. 

Đội tuyển Việt Nam có cùng số lần vô địch AFF Cup với Thái Lan (mỗi đội 1 lần) trong khoảng thời gian này, tuy nhiên, Việt Nam lại có thành tích vượt trội ở sân chơi châu Á khi lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và tứ kết Asian Cup 2019, còn Thái Lan bị loại ở vòng loại thứ hai, chỉ lọt vào vòng 1/8 Asian Cup 2019.

Cuộc cạnh tranh với Việt Nam khiến Thái Lan phải dồn mọi hỏa lực để vô địch bằng được các giải trong khu vực. Chiến thắng tại AFF Cup 2020 cho thấy Thái Lan vẫn có nòng cốt đội hình đồng đều cùng lối chơi nhuần nhuyễn, nhưng không nền bóng đá nào có thể đứng vững chỉ với một đội tuyển quốc gia mạnh.

Bóng đá Thái Lan cần tìm lứa kế cận khi Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Thitipan Puangchan đang dần bước qua sườn dốc bên kia sự nghiệp, còn Teerasil Dangda đã luống tuổi. Những sao trẻ như Supachok Sarachat, Suphanat Muenta đều rất tiềm năng, nhưng để nói Thái Lan đã có lứa kế cận, như thế là chưa đủ. 

Đội tuyển Thái Lan của HLV Mano Polking chịu nhiều áp lực. 

Chất lượng bóng đá trẻ Thái Lan đang đi xuống ở mức đáng báo động với thất bại của các đội U23, U19 và U16. Và Thái Lan có lẽ không được quên, Đông Nam Á không chỉ có Việt Nam là đối thủ tiềm năng. 

Bóng đá Indonesia đang chuyển mình nhờ "phù thủy" Shin Tae-yong. Cựu HLV đội tuyển Hàn Quốc đang mang chất thép, sự kỷ luật và khoa học thổi vào lối chơi của Indonesia. Đội bóng xứ Vạn đảo về nhì ở AFF Cup 2020, về ba tại SEA Games 31, giành vé dự VCK U19 châu Á chỉ trong vỏn vẹn 8 tháng.

Indonesia có đủ tiềm lực để trở thành "lá cờ đầu" khi HLV Shin Tae-yong được tạo điều kiện xây dựng lối chơi xuyên suốt ở các cấp độ đội tuyển tương tự ông Park đã làm ở Việt Nam. Đó là giải pháp tối ưu để tận dụng chất xám của Shin Tae-yong, đồng thời đảm bảo sự tập trung và kế thừa giữa các lứa. 

Malaysia cũng không phải đối thủ đơn giản. Đội bóng của HLV Kim Pan-gon đã hạ gục Thái Lan tại King's Cup và có chuỗi 8 năm không thua "Voi chiến" ở mọi giải đấu. 

Bóng đá Thái Lan cố vùng lên, nhưng các đối thủ cũng không chững lại. Lò lửa cạnh tranh khốc liệt ở Đông Nam Á khiến mọi giải đấu với Thái Lan giờ không còn dễ dàng. Song, Thái Lan dường như chưa được chuẩn bị đủ tốt để đối diện với áp lực - yếu tố đang tăng dần theo cấp số nhân sau mỗi thất bại. 

"Đây không còn là hồi chuông báo động nữa, mà đã là một cuộc khủng hoảng thật sự của bóng đá Thái Lan. Đã đến lúc FAT phải nhìn lại mình, hoặc phải có sự cải tổ toàn diện mới có thể làm thay đổi thực tại rất tệ hại của bóng đá nước nhà", tờ Thairath nêu vấn đề. 

Cải tổ có lẽ là con đường duy nhất để Thái Lan trở lại sau chuỗi ngày thất bại triền miên. Bắt đầu lại từ đâu, ở cấp độ nào, đó là bài toán khó giải với FAT, với hai mục tiêu đầy khó khăn trước mắt là bảo vệ ngai vàng AFF Cup và vô địch SEA Games. 

Hồng Nam

Tin mới