Từ phà Năng Gù, theo tỉnh lộ 951 hướng về thị xã Tân Châu, xóm lò đất xã Phú Thọ (huyện Phú Tân) được nhận diện bằng những hàng lò đất phơi nắng trước mỗi sân nhà.
Lò đất phơi đầy sân nhà các hộ dân.
Theo người dân xóm lò đất xã Phú Thọ, chẳng ai biết cái nghề làm lò đất có từ khi nào. Họ chỉ biết nghề được truyền từ đời này qua đời khác, gắn liền với cuộc sống của cư dân nơi đây cho đến bây giờ. Thời nghề này còn hưng thịnh, nơi đây có hơn 100 hộ dân theo nghề.
Ông Nguyễn Duy Lam (49 tuổi) có hơn 20 năm theo nghề làm lò đất cho biết do bếp điện, bếp gas phát triển nên nhu cầu dùng lò đất giảm dần. Hiện nay, chỉ còn khoảng hơn 20 hộ theo nghề.
Nguyên liệu làm lò đất là đất sét mua ở Hòn Đất (Kiên Giang), đặc trưng tính dẻo mịn, làm ra sản phẩm vừa bền, vừa đẹp.
Ở công đoạn đầu tiên, người thợ sẽ nhào nặn cho đất mềm ra trước khi đưa đất vào khuôn để tạo hình.
Những chiếc khuôn dùng để tạo hình lò đất.
Sau đó, người thợ sẽ dùng tay, bo, vuốt để thân lò ôm sát vào khuôn và bóng mịn.
Tiếp theo là công đoạn tạo hình cho ông Táo. Hết công đoạn này, người thợ sẽ dùng dao nhỏ, khoét phần dưới để tạo miệng lò. Sau đó, người thợ sẽ đóng số vào trên mặt ông Táo để biết kích cỡ của lò.
Những chiếc lò đất vừa được tạo hình xong còn nằm trong khuôn.
Những chiếc lò đất sẽ được phơi nắng từ 3-4 ngày trước khi được đưa vào lò nung.
Sau khi phơi đủ nắng, lò đất sẽ được bỏ vào lò, phủ kín trấu và nhóm lửa nung.
Khi lò đất được nung đủ lửa sẽ có màu vàng nhạt đẹp mắt và bền với thời gian.
Theo ông Đặng Thái Bình (thợ làm lò đất tại xã Phú Thọ), các công đoạn hoàn toàn làm bằng thủ công nên nghề làm lò đất khá vất vả.
“Bà con đang cần có chính sách hỗ trợ vốn để tiếp tục duy trì phát triển nghề vì hiện nay, giá nguyên liệu, tiền thuê nhân công cứ tăng dần. Vì vậy, bà con theo nghề làm lò đất chỉ đủ ăn, khó theo nghề đến cùng”, ông Bình nói.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Phú Thọ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết, năm 2021, địa phương có lập hồ sơ để các ngành chức năng xem xét, công nhận làng nghề truyền thống nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Thời gian tới, địa phương vẫn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để làng nghề phát triển, đảm bảo các tiêu chí để sớm được công nhận là làng nghề truyền thống.