Không chườm đá trực tiếp lên vết thương hở: Chườm đá trực tiếp lên vết thương hở làm đông cứng các tế bào và mô dưới da, làm chậm lưu thông máu, gây tổn thương vĩnh viễn. Hãy sử dụng khăn hoặc vải bọc đá trước khi chườm vết thương.
Không ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu mũi: Ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu mũi có thể khiến máu chảy ngược vào khí quản hoặc phổi, gây khó thở và nôn mửa. Thay vào đó, hãy ngả người về phía trước và bóp nhẹ sụn đầu mũi vài phút cho đến khi máu ngừng chảy.
Không chạm vào vết thương hở khi chưa sát khuẩn tay: Bạn cần lưu ý luôn luôn rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn bằng nước rửa tay khô chứa cồn trước khi dùng tay xử lý vết thương hở để tránh gây nhiễm trùng vết thương.
Không chườm nóng lên vùng bong gân hoặc gãy xương: Nghiên cứu cho thấy đối với tình trạng sưng đau có liên quan đến tổn thương xương, chườm lạnh sẽ có hiệu quả hơn chườm nóng, đặc biệt trong trường hợp bong gân, gãy xương hoặc phù nề.
Không đặt vật thể vào giữa hai hàm khi bệnh nhân nghiến răng: Trong các cơn co giật, bệnh nhân đôi khi có thể ngậm chặt hàm hoăc cắn vào lưỡi. Việc cố ép bệnh nhân mở miệng và đặt vật thể vào giữa hai hàm bệnh nhân có thể dẫn đến gãy xương hàm, mẻ răng và các tổn thương khác. Thay vào đó, hãy đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái, kê vải mềm dưới đầu bệnh nhân và gọi cấp cứu.
Không kích thích nôn trong trường hợp ngộ độc thực phẩm: Cần tránh móc họng để kích thích bệnh nhân nôn khi chưa rõ nguyên nhân gây ngộ độc. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc chất ăn mòn, việc nôn mửa có thể gây bỏng phổi và đường hô hấp, thậm chí khiến chất độc tràn vào phổi và gây tử vong.
Không vỗ lưng người đang nghẹn: Khi một người bị nghẹn do vật thể lạ hoặc thức ăn kẹt ở đường hô hấp, cần tránh vỗ lưng hay ngực họ để tránh gây biến chứng. Thay vào đó, hãy giúp người đó gập mình lại và dùng nắm đấm ấn vào phần bụng trên rốn. Lặp lại cho đến khi cơn nghẹn qua đi.
Sử dụng vật thể bằng gỗ để kéo người bị giật điện ra khỏi nguồn điện: Khi bạn gặp người bị giật điện, trước hết hãy tìm những vật không dẫn điện như gỗ khô để tách người gặp nạn ra khỏi nguồn điện. Hãy đứng cách xa người gặp nạn khoảng 5m, và tuyệt đối không trực tiếp chạm vào người họ.
Không dùng vải buộc chặt vết thương đang chảy máu: Dùng vải buộc chặt vết thương đang chảy máu có thể gây áp lực lên mạch máu và dẫn đến máu chảy nhiều hơn. Bạn chỉ nên buộc phần phía trên vết thương do rắn cắn để ngăn độc tố lan ra các phần khác của cơ thể.
Không dụi mắt khi có vật thể lạ bay vào mắt: Đừng dụi mắt khi bạn cảm thấy có vật thể lạ trong mắt bởi việc dụi mắt có thể gây tổn thương giác mạc nếu vật thể trong mắt là vật cứng hoặc sắc nhọn. Bạn nên dùng nước hoặc thuốc nhỏ mắt để rửa trôi vật thể đó.
Không thoa thuốc mỡ lên vết thương hở: Tuyệt đối không thoa thuốc mỡ hay các loại kem mỹ phẩm lên vết thương hở, bởi các thành phần trong các loại kem này có thể gây nhiễm trùng vết thương.
Không rửa vết bỏng lạnh bằng nước nóng: Khi rửa vết bỏng lạnh bằng nước nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây tổn thương các dây thần kinh ở khu vực vết bỏng, từ đó dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn ở khu vực đó.