Sốc nhiệt nguy hiểm thế nào?
Theo các chuyên gia, sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao đột ngột, quá mức (thường trên 40 độ C) do tiếp xúc với nền nhiệt quá cao khi cơ thể chưa kịp thích nghi. Từ đó, cơ thể ra nhiều mồ hôi làm mất nước, chất điện giải gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt của thần kinh trung ương.
Trẻ bị sốc nhiệt sẽ có những biểu hiện như nhiệt độ cơ thể tăng cao; buồn nôn và nôn; da nóng, khô, đỏ; tăng nhịp tim, khó thở; xuất hiện hành vi lạ và có thể bị ảo giác như nói lắp, cáu khỉnh, không kiểm soát được hành vi, co giật hoặc hôn mê; đau đầu, đầu có thể đau nhức nhói. Ở trẻ lớn tuổi hơn có thể bị chuột rút…
Thông thường, sốc nhiệt thường xuất hiện khi trẻ chơi đùa, hoạt động dưới trời nắng nóng quá lâu hoặc tập luyện thể thao trong phòng nhiệt độ cao, không thông thoáng. Tuy nhiên, một số trường hợp, do bị bỏ quên quá lâu trong xe ô tô, trẻ cũng dễ bị sốc nhiệt.
Trẻ bị sốc nhiệt có thể lâm vào tình huống nguy hiểm như bị nóng bức, khó thở, ngạt thở, rối loạn các cơ quan, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng. Do vậy, hiểu rõ về sốc nhiệt và cách sơ cứu cho trẻ khi lâm vào tình trạng này rất quan trọng.
Trẻ bị sốc nhiệt có thể bị tăng nhịp tim, khó thở, đau đầu, ngạt thở rồi dẫn đến thiệt mạng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. (Ảnh: Minh họa).
Sơ cứu trẻ bị sốc nhiệt thế nào?
Để sơ cứu trẻ bị sốc nhiệt, phụ huynh cần chú ý:
- Bế trẻ vào khu vực thoáng khí, mát mẻ, có bóng râm để hạ bớt thân nhiệt.
- Cởi bỏ quần áo ngoài, tưới nước hơi ấm lên người trẻ. Nếu trẻ đã hạ bớt thân nhiệt có thể dùng nước mát.
- Nếu trẻ còn tỉnh táo, hãy cho trẻ uống nước càng sớm càng tốt.
- Liên tục theo dõi thân nhiệt và làm mát cơ thể cho trẻ tới khi nhiệt độ trở lại mức ổn định.
- Nếu trẻ không tỉnh cần hổi sức tim phổi ngay.
- Song song với những việc trên, phụ huynh cũng cần sớm gọi cấp cứu để được hỗ trợ đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám, điều trị.
Phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ
Phụ huynh cần chú ý những điểm sau:
- Những ngày nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo vừa phải, không nên cho trẻ hoạt động nhiều dưới ánh nắng mặt trời.
- Bổ sung nước uống cho trẻ thường xuyên, tránh để trẻ bị mất nước.
- Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ. Nếu trẻ vừa đi ngoài về tránh cho vào phòng điều hòa ngay. Mặt khác, không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào trong phòng điều hòa và không gian nóng bức bên ngoài.
- Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che, đậy cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài.
- Nếu cho trẻ đi ô tô, tuyệt đối không để trẻ 1 mình trên xe. Khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ. Trong quá trình lái hoặc ngồi trên xe, nên thường xuyên để mắt và nói chuyện với trẻ, sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) để phản ứng kịp thời.
- Nếu không may phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như: thân nhiệt nóng lên đột ngột, khó thở, mê man, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.