Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nắng nóng đỉnh điểm, cần chú ý những điều này để tránh bị sốc nhiệt

Nếu không được cứu chữa kịp thời, sốc nhiệt có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí thiệt mạng.

Triệu chứng của sốc nhiệt

Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức khiến cơ thể không kịp thích nghi do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Chứng sốc nhiệt có thể gặp ở bất cứ ai khi cơ thể mất muối, nước, đề kháng kém. Trong đó, những đối tượng dễ bị sốc nhiệt nhất bao gồm: trẻ nhỏ, người cao tuổi, người thừa cân, béo phì, người thường xuyên lao động, tập luyện dưới thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao và những người rối loạn bài xuất mồ hôi…

Theo các chuyên gia, triệu chứng chính của sốc nhiệt là việc tăng đáng kể nhiệt độ của cơ thể, thường là trên 40 độ C, kèm theo tình trạng tâm thần thay đổi có thể từ thay đổi tính tình cho đến lú lẫn và hôn mê.

Ngoài ra, bệnh nhân khi bị sốc nhiệt cũng có thể bị tổn thương não và các cơ quan nội tạng khác kèm các triệu chứng như: da khô, nóng, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, chóng mặt chuột rút, kiệt sức, buồn nôn, co giật, mất định hướng hoặc đôi khi mất ý thức…

 Nắng nóng đỉnh điểm, những người có đặc thù công việc lao động lâu dưới ánh nắng mặt trời cần đặc biệt chú ý.

Cách sơ cứu người bị sốc nhiệt

Sốc nhiệt là một chứng bệnh rất nguy hiểm, có thể gây chết người nếu không được cấp cứu kịp thời do cơ thể tăng thân nhiệt, mất nước, làm giảm khối lượng tuần hoàn máu dẫn đến trụy mạch. Do vậy, việc hiểu đúng về cách sơ cứu nạn nhân bị sốc nhiệt là việc làm tối quan trọng trong cứu người.

Theo các chuyên gia, việc đầu tiên khi phát hiện thấy có người bị sốc nhiệt là bạn nên tìm cách hạ thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách đưa nạn nhân vào nơi có bóng râm, thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo và cho họ uống nước mát có pha muối. Sau đó bạn chườm khăn lạnh hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn như: bẹn, cổ nách..

Tiếp theo, bạn cần liên tục làm mát để hạ thân nhiệt cho bệnh nhân. Trong quá trình này, bạn cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Nếu thân nhiệt không hạ hoặc người bệnh lâm tình trạng sốt cao, không uống được nước, nôn liên tục, đau bụng, khó thở thì bạn cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị.

 Đặt túi chườm đá ở nách, bẹn sẽ giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt. (Ảnh: SKĐS)

Phòng sốc nhiệt như thế nào?

Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để phòng tránh sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động, làm việc lâu trong môi trường nóng ẩm.

Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày này, bạn cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa sốc nhiệt, những người có đặc thù công việc phải thường xuyên lao động dưới thời tiết nắng nóng, vận động nhiều … cần chú ý bố trí thời gian làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, nên mặc quần áo thoáng mát, sáng màu.

Ngoài ra, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu như: đổ mồ hôi nhiều, mất nước, cần nhanh chóng bổ sung thêm các chất điện giải (natri) và nước để tránh bị sốc nhiệt.

Phạm Quý

Tin mới