Tác dụng của rau tầm bóp với sức khoẻ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, cây tầm bóp không chứa độc tính. Thân và quả tầm bóp được dùng để làm dược liệu.
Thành phần chính của tầm bóp
Quả của cây tầm bóp có thành phần chính là chất xơ, chất béo, protein, đường, Vitamin C, các khoáng chất (lưu huỳnh, sắt, kẽm, magie, canxi, photpho, clo, natri,..). Trong thân cây thì có chứa các Physalin A-D, Physagulin A-G, các alkaloid.
Tầm bóp vị đắng, mát, quả chua nhẹ, có thể dùng để làm rau ăn. Trong đông y, các bộ phận của tầm bóp như thân, quả, lá, rễ đều có thể dùng làm thuốc. Cây tầm bóp có thể dùng tươi hoặc phơi khô đều được.
Một số tác dụng dược lý
Các chất trong cây tầm bóp được cho là có khả năng kích thích miễn dịch hiệu quả. Đặc biệt là khả năng chống tế bào ung thư, nhất là ung thư bạch cầu. Chất Physalin F và D có hoạt chất diệt tế bào ung thư ác tính. Chất Physalin B, D, F, G tác dụng tốt trong việc ức chế sự phát triển của ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.
Rau tầm bóp rất tốt cho sức khoẻ
Những người nên ăn rau tầm bóp
Báo VietNamNet dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, người bình thường nên ăn rau tầm bóp bởi thường xuyên ăn rau này có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch do cây tầm bóp cung cấp một lượng lớn vitamin C giúp hạn chế các gốc tự do gây hại các mạch máu.
Lượng vitamin C và vitamin A còn mang lại khả năng kiểm soát cholesterol máu, tránh được các bệnh lý do tăng cholesterol máu như bệnh đột quỵ não.
- Người bị bệnh ung thư: Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, hàm lượng vitamin C cao nên loại rau này còn hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, tốt cho người bệnh đang trong quá trình điều trị ung thư phổi, dạ dày, gan, đại tràng, vòm hầu họng.
- Người bị bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường ăn rau tầm bóp thường xuyên còn giúp ổn định đường huyết, thành phần vitamin trong rau tăng tác dụng hormone insulin trong máu.
Lưu ý khi ăn rau rầm bóp
Lương y Sáng khuyến cáo thêm loại cây này lành tính nhưng bạn không nên ăn quá nhiều, không tự ý kết hợp với các thảo dược khác. Người từng dị ứng với rau tầm bóp không nên ăn.
Quả tầm bóp còn phòng ngừa các bệnh về đường tiết niệu như viêm thận, sỏi thận, sỏi bàng quang và chữa bệnh gout. Quả để khô có thể làm mứt.
Ở châu Phi, người dân ăn lá cây đã được nấu chín hoặc dùng băng bó các vết thương bị nhiễm trùng. Chúng ta có thể dùng bộ phận lá cây để ăn lẩu, nấu canh ngao, cua, tôm hoặc luộc xào.