Tầm bóp là loại cây mọc dại ở các vùng quê Việt Nam. Cây tầm bóp từ lâu được dùng như một loại rau ăn và làm thuốc chữa bệnh.
Tác dụng của cây tầm bóp
Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cây tầm bóp còn được gọi là cây lồng đèn, bôm bốp, danh pháp khoa học Physalis angulata. Đây là loài thực vật có hoa thuộc họ Cà (Solanaceae). Loài này được Carl Linnaeus miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753.
Cây tầm bóp ở Việt Nam rất nhiều, nhưng ít được sử dụng dù có một số dược tính tốt. Chúng nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, sau trở thành liên nhiệt đới. Tầm bóp mọc hoang khắp nơi, ở trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đất hoang hay ven đường làng quê. Nhiều người còn thấy ở ven rừng từ vùng thấp đến vùng có độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Cây tầm bóp còn là dược liệu, sử dụng tươi hay phơi khô dùng dần.
Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, cây tầm bóp thường dùng trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc.
- Bạn có thể dùng 20-40g khô sắc uống. Dùng ngoài trị nhọt vú, đinh độc.
- Dùng 40-80g cây tươi giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì dùng đắp, hoặc nấu nước rửa.
- Quả tầm bóp ăn được và dùng chữa đờm nhiệt sinh ho, thuỷ thủng và đắp ngoài chữa đinh sang.
- Rễ tươi nấu với tim lợn, chu sa ăn chữa được chứng đái tháo đường.
Ở Ấn Độ, toàn cây được sử dụng làm thuốc lợi tiểu; lá được dùng trị các rối loạn của dạ dày.
Những người hay lênh đênh sông nước nên ăn quả này thường xuyên vì lượng vitamin C và B1, tiền vitamin A trong quả tầm bóp rất cao nên tốt cho cơ thể, có thể chữa bệnh Scorbut vì trên biển không có hoa quả.
Ảnh cây lồng đèn (tầm bóp) mọc hoang do Lương y Bùi Đắc Sáng cung cấp.
Những ai không nên ăn rau tầm bóp?
Rau tầm bóp tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cây tầm bóp là cây dược liệu lành tính. Tuy nhiên, việc sử dụng tầm bóp làm thuốc cũng cần thận trọng. Liều dùng và cách dùng phải theo chỉ định của bác sĩ hay những người từng có kinh nghiệm.
Những người cơ địa dị ứng với tầm bóp hoặc dị ứng thảo mộc nói chung không nên sử dụng loại cây này. Không dùng tầm bóp cho người đang cho con bú hoặc phụ nữ có thai.
Nếu sau khi sử dụng thuốc từ tầm bóp có những biểu hiện như buồn nôn, khó thở, tức ngực, nổi mẩn ngứa cần dừng lại ngay.
Đặc biệt mọi người không nên nhầm lẫn cây tầm bóp với cây lu lu đực, một loại cây gần giống nhau nhưng lại có độc tính, chứ không có tác dụng chữa bệnh.