Những món ăn ngày Tết miền Trung chẳng thua kém gì 2 miền Bắc Nam về độ hấp dẫn, đặc sắc. Dẫu quanh năm khó khăn, người dân nơi đây vẫn mong muốn có cái Tết sung túc để cầu một năm “mưa thuận gió hòa”. Dưới đây là những món ngon ngày Tết của đồng bào miền Trung.
Bánh tét
Bánh tét có nguyên liệu và cách làm tương tự bánh chưng, chỉ khác ở hình dáng. Nguyên liệu bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… Tương tự như bánh chưng ở miền Bắc, bánh Tét cũng là món ăn không thể thiếu được trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung.
Xôi đỗ xanh
Chắc chắn rồi, xôi là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng ngày Tết của tất cả các miền. Riêng người miền Trung, món xôi phổ biến là xôi đỗ xanh. Xôi không quá dẻo, người ăn vẫn sẽ cảm nhận được vị bùi của từng hạt đỗ và mùi thơm của nếp.
Dưa món
Trong ngày Tết, nếu như người miền Bắc có món dưa hành, người miền Nam có củ kiệu thì với người miền Trung, dưa món là thứ không thể thiếu để ăn kèm với bánh tét.
Món ăn này là sự kết hợp của cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu…. được ngâm chua mặn, có vị giòn sật sật rất ngon, mang đến hương vị rất riêng của ngày Tết miền Trung.
Bò kho mật mía
Ngoài mục đích đổi vị cho bữa cơm gia đình thì món này cũng rất phù hợp để nhậu khi gia đình ngồi tụ họp, lai rai. Thịt bò kho kiểu Nghệ An rất đậm đà, vị ngọt của thịt bò, mật mía, nước mắm và hương thơm của các loại gia vị hòa quyện vào nhau tạo nên món ngon ngày Tết tuyệt vời.
Giò bê
Giò bê Nghệ An là món ngon ngày Tết miền Trung hiện đã được ưa chuộng khắp cả nước. Nó thường được dùng để đãi khách và cũng là món nhậu khoái khẩu của rất nhiều người. Không chỉ có hương vị đặc biệt mà còn rất tiện lợi, giò bê Nghệ An giúp chủ nhà có bữa ăn thịnh soạn đãi khách bất cứ lúc nào. Nó có thể được bảo quản trong nhiều ngày bằng tủ lạnh.
Giò bò
Loại giò này được làm từ thịt bò, bỏ hết gân và xay nhuyễn rồi trộn chung với một ít mỡ phần, giúp cho miếng giò giòn mà không bị khô. Vị ngon của thịt kết hợp với vị thơm của tiêu sọ sẽ kích thích thêm vị giác của người ăn trong những ngày Tết.
Ba chỉ ngâm mắm
Danh sách món ngon ngày Tết miền Trung không thể thiếu ba chỉ ngâm nước mắm. Món này thường được ăn cùng với dưa muối hoặc một số loại rau sống.
Sau khi sơ chế, người ta đem ngâm thịt vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỷ lệ nhất định. Khi thưởng thức, cần cắt lát và ăn kèm với dưa món. Đặc biệt, món này có thể được “dự trữ” trong nhiều ngày.
Tôm chua
Tôm chua có màu ửng đỏ tự nhiên và mùi thơm của riềng, tỏi, để càng lâu càng chua. Khi ăn, bạn có thể thêm chút đường cát trắng trộn đều.
Tôm chua phải ăn cùng thịt luộc, mà phải thịt ba chỉ mới gọi là sành ăn. Thường người ta có thể ăn thêm khế chua, chuối chát để không "sôi" bụng.
Củ cải kho thịt heo
Củ cải kho thịt heo hương vị đậm đà, ăn kèm với bánh tét hoặc cơm trắng đều rất ngon. Cách thực hiện khá đơn giản: Thịt mông thái miếng, ướp chung với gia vị và kho cùng với củ cải sao cho chín mềm.
Với người miền Trung, ngày Tết mà không có củ cải kho thịt heo thì quả thật là điều thiếu sót.
Nem chua
Khi khách đến nhà chơi ngày Tết, người miền Trung thường mời họ vài chung rượu nhâm nhi với "mồi" là những chiếc nem chua. Nem được làm từ thịt heo. Sau khi tẩm ướp gia vị, thịt được gói lại trong lá ổi, lá chùm ruột để trong vài ngày.
Tré
Xưa, tré là món ăn cung đình, nay đã trở thành món bình dân truyền thống trong dịp năm mới của các tỉnh miền Trung. Tré được chế biến bằng thịt đầu heo luộc, để ráo nước, khô da, thịt ba chỉ ram vàng, tất cả được thái thành sợi nhỏ, kết hợp với củ riềng, tỏi, thính và lá ổi, tạo thành món ăn hấp dẫn trong những ngày Tết.
Mứt gừng
Mứt gừng thơm thơm, ít vị cay nồng cũng là món ngon ngày Tết miền Trung rất đặc trưng. Mứt gừng ngon không được quá non hay quá già, vẫn giữ được vị nồng cùng hương thơm của gừng.
Bánh lăn
Đây là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng lại chẳng thể thiếu trong ngày Tết của một số gia đình ở miền Trung. Thành phần chính là nếp thơm dẻo được chọn từ mùa trước, thêm cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối, gừng, vài ba lát dừa… Tất cả được cắt mỏng, rim với đường nhỏ lửa đến khi hỗn hợp đặc lại.
Phần nếp được rang kỹ, xay hoặc giã mịn thành bột, sau đó trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Hòa phần bột nếp với mứt nén thành khối trụ tròn dài; khi ăn, cắt thành từng khoanh nhỏ.