Những ngày qua, chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa An Việt liên tục tiếp nhận các bé mắc bệnh lý theo mùa trong dịp hè. Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An - giám đốc bệnh viện, nắng nóng như hiện nay làm gia tăng nhiều bệnh lý ở trẻ em đặc biệt là các bệnh.
Nhiễm siêu vi
Nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… PGS An cho biết, hơn 200 chủng siêu vi được phân lập, nhưng hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 – 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt.
Một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ, chúng ta cần phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vắc xin sắn có như siêu vi cúm, siêu vi sởi, siêu vi gây bệnh thủy đậu, bệnh quai bị, bệnh sốt phát ban rubella, sốt xuất huyết…
PGS An khám cho bệnh nhân.
Viêm não Nhật Bản, viêm màng não
Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não nhật bản B ở trẻ em thường tăng cao hơn vào mùa nắng nóng. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên bệnh lý này hiện đã có thuốc phòng ngừa hiệu quả, phần nào làm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em.
Bệnh tay chân miệng
Theo bác sĩ An, tay chân miêng là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao gây nhiều lo lắng cho gia đình có trẻ nhỏ, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường.
Ngộ độc thức ăn
Thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường.
Mùa hè là thời điểm rất thích hợp cho trẻ học tập, khám phá, vui chơi và hoạt động thể chất. Nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm và các siêu sinh vật có hại phát triển, đồng thời là môi trường ẩn nấp, sinh sôi và lây lan mầm bệnh rất nhanh. Bệnh mùa nắng nóng không thực sự đáng sợ song nếu lơ là, chủ quan, không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh sẽ có thể chuyển biến nặng.
Phòng bệnh mùa nóng nắng
PGS An khuyến cáo phụ huynh tăng cường dinh dưỡng cho trẻ trong dịp nắng nóng. Phụ huynh cho trẻ uống đủ nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa.
Phụ huynh cần giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Các gia đình cần phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, phụ huynh có thể tạo thói quen ngủ mùng, tham gia phong trào diệt lăng quăng…để thực hiện tốt phương châm “nhà không lăng quăng thì không bệnh sốt xuất huyết”.