Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhọc nhằn nghề chăn ong ‘du mục’

(VTC News) -

Những người được mệnh danh là “kẻ du mục” theo đàn ong từ vùng đất này sang vùng đất khác, họ chấp nhận ăn ngủ trong rừng keo, xa vợ con để đổi lấy mật ngọt.

Những ngày trung tuần tháng 10 Âm lịch, thời tiết tại các tỉnh miền Trung bắt đầu hạ nhiệt. Dưới tán rừng keo rộng mênh mông ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), những người nuôi ong “du mục” vội vã quay mẻ mật cuối cùng để chăn đàn ong đi vùng đất mới.

Từ 9 năm trước, anh Phạm Văn Họa (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) bắt đầu đưa đàn ong từ miền Bắc vào Hà Tĩnh để lấy mật lá (loại mật ở ngọn, cành của cây keo). Đến nay, anh Họa sở hữu hơn 300 tổ ong đang trong thời kỳ làm mật. Nếu trung bình mỗi thùng ong cho thu hoạch từ 2-3 lần/tháng thì năm nay anh thu về hơn 200 triệu đồng.

“Thông thường từ tháng 3 đến tháng 10 Âm lịch, chúng tôi cho đàn ong lấy mật lá ở Hà Tĩnh, đến cuối năm thì di chuyển vào miền Nam để lấy mật hoa cà phê. Loại ong này rất đặc biệt, nếu trời mưa thì chúng rất hạn chế bay và di chuyển nên để lấy mật hiệu quả, chúng tôi phải đưa chúng đi những vùng đất có khí hậu nắng ráo”, anh Họa chia sẻ.

Theo anh Họa, muốn đàn ong phát triển tốt và cho mật năng suất thì điều đầu tiên cần chú ý là vị trí đặt những tổ ong. Ong cần ở những nơi thoáng mát, khô ráo và gần nơi lấy mật, dưới tán rừng keo là địa điểm phù hợp nhất.

Loại ong được chọn để nuôi theo phương thức du mục là ong Ý. Đây là loại ong có cơ bắp khỏe mạnh, cánh dài và lấy thức ăn nhanh hơn ong mật bản địa, chúng cũng khá dễ nuôi vì ong ít bỏ đàn.

Điều đáng lo ngại nhất với những người nuôi ong đó là thời tiết nắng mưa thất thường, đây cũng là yếu tố quan trọng khiến ong chết hàng loạt.

Ngoài mật từ thiên nhiên, người nuôi ong bổ sung thêm thức ăn cho ong bằng một loại hỗn hợp từ đường và đậu nành giã nhuyễn rồi trộn đều với mật ong.

Sau khi trộn xong thức ăn, người nuôi ong quét lên các cầu ong. Khoảng 4 ngày, họ sẽ bổ sung thêm thức ăn 1 lần.

Trong lúc kiểm tra tổ và cho ong ăn, người nuôi ong dùng bình xịt tạo khói, sau đó đuổi ong thợ đi nơi khác.

Bên trong mỗi tổ ong có từ 6-9 cầu xếp cạnh nhau. Khi ong ăn xong sẽ tạo mật ở những cầu ong này.

Trung bình cứ 100 đàn ong thì quay được 300 lít mật/lần. Số mật này được công ty xuất khẩu mua tại vườn với giá dao động 40.000-70.000 đồng/lít, giúp mỗi năm người nuôi ong du mục có thể bỏ túi hàng trăm triệu đồng.

Để thuận tiện cho việc chăm sóc đàn ong, những người nuôi ong dựng lán trại nhỏ 15m2, bên trong có đầy đủ dụng cụ để nấu ăn, sinh hoạt. Để thu về những giọt mật ngọt, họ sẵn sàng ăn ngủ trong rừng keo với đàn ong, mỗi năm chỉ về nhà với vợ con 1-2 lần.

“Chúng tôi tự gọi mình là những “kẻ du mục”, chấp nhận sống xa vợ con. Thời điểm cuối năm là vào vụ thu mật chính nên ít ai được về đón Tết cùng gia đình. Vất vả là thế nhưng ai cũng vui vì mùa mật năm nay được giá, chúng tôi cũng có thêm khoản tiền trang trải và nuôi con ăn học”, một người nuôi ong du mục trên địa bàn xã Thạch Xuân bộc bạch.

TRỌNG TÙNG

Tin mới