Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bé Đinh Thị Ánh Viên (20 tháng tuổi) vẫn đang nằm ngủ say trong vòng tay mẹ. Bé bị suy hô hấp, tổn thương phổi nên phải thở oxy. Mẹ bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bé đã 2 ngày uống thuốc theo đơn thuốc ở một phòng khám tư với chẩn đoán hen phế quản nhưng không đỡ.
Nằm ở giường kế bên là bệnh nhi Nguyễn Anh Vũ (10 tháng tuổi) bị viêm phế quản, cũng từng điều trị theo đơn thuốc ở một phòng khám tư, nhưng bệnh không thuyên giảm.
Tiến sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu tháng 4, số trẻ đến khám và nhập viện xu hướng tăng, trong đó chủ yếu là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ còn gặp các mặt bệnh hàng năm theo mùa như sốt xuất huyết, các nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, bệnh viêm não cấp tính... Mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 100-200 bệnh nhân đến khám, số trẻ nhập viện điều trị nội trú cũng tăng lên.
Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BSCK II Nguyễn Quang Khanh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh thông tin, trong 7 tháng đầu năm, khoảng 3.552 trẻ nhập viện nội trú. Trong đó, đỉnh điểm là vào tháng 6, tới 1.066 bệnh nhân. Trong tháng 8/2022, dù chưa thống kê cụ thể nhưng với khoảng 150-160 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày thì số lượng bệnh nhi sẽ như tháng 6, tức khoảng hơn 1.000 bệnh nhân.
“Bệnh nhi nhập viện chủ yếu là trẻ bị sốt cao, viêm A cấp, viêm phổi phế quản, viêm phổi, cúm A/B, COVID-19 hoặc những trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa”, bác sĩ Khanh nói.
Theo các bác sĩ, trong các tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ thì có tới 80% là do virus. Ở thời điểm này, ngoài những virus phổ biến theo mùa như cúm A, RSV, Rhinovirus, Adenovirus … thì 2 tác nhân có thể gặp là virus cúm và COVID-19. Như vậy, cùng một lúc rất nhiều tác nhân gây bệnh lưu hành. Mặt khác, trong gần 3 năm COVID, việc tiêm phòng cho trẻ theo chương trình tiêm chủng ít nhiều bị ảnh hưởng - cũng là một trong những lý do khiến số trẻ bị bệnh và đến khám có xu hướng tăng.
Do đặc điểm hệ miễn dịch của trẻ và khả năng bảo vệ khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh nên trẻ có thể bị nhiều đợt nhiễm trùng khác nhau. Nhiều phụ huynh đã tự mua thuốc điều trị cho con hoặc đưa con đến khám tại phòng khám tư và về điều trị tại nhà. Vì thế một số trẻ đến khám sau khi đã tự chữa ở nhà nhưng không khỏi, hoặc sau khi đi khám ở phòng khám tư không đỡ mới nhập viện. Có trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hoặc đã có biến chứng viêm phổi nặng.
Video: Gia tăng trẻ nhập viện liên quan bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa
Phòng bệnh thế nào?
Để giúp trẻ được chăm sóc tốt nhất, tránh biến chứng xảy ra, tiến sĩ Đặng Thị Thúy, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên các bậc cha mẹ hãy cho con đi tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và với những bệnh đã có vaccine phòng bệnh được khuyến cáo cho trẻ.
“Việc cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh cúm, COVID-19 khi đủ tuổi sẽ tạo cho con có miễn dịch chủ động tốt nhất. Với các bệnh khác liên quan đến đường hô hấp, các vaccine liên quan lứa tuổi theo chương trình… bố mẹ hãy đưa con đi tiêm”, tiến sĩ Thúy nói.
Phụ huynh cần giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt bằng việc ăn uống, sinh hoạt đầy đủ. Cha mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thì cố gắng nuôi trong 6 tháng đầu, đó cũng là nguồn miễn dịch cho con. Bố mẹ cũng cần lưu ý bổ sung vitamin, khoáng chất, các vi chất cần thiết cho con sau mỗi trận ốm để con có cơ thể khỏe mạnh, miễn dịch tốt nhất.
Trong điều kiện hiện nay, khi dịch COVID-19 vẫn tồn tại trong cộng đồng, virus cúm, virus hợp bào theo mùa vẫn xuất hiện thì bố mẹ cân tránh cho con tụ tập nơi đông người. Khi con ốm, bố mẹ cần cách ly con ở nhà để tránh phát tán bệnh ra cộng đồng, cũng như môi trường tập thể. Cha mẹ nên cho con đến khám ở các cơ sở uy tín gần nhất, cần thiết phải làm xét nghiệm để xem con mắc cúm hay COVID-19.