Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều trẻ nhập viện do cúm A: Bác sĩ chỉ cách chăm sóc trẻ nhanh khỏi bệnh

(VTC News) -

Các bác sĩ lưu ý cha mẹ cách chăm sóc khi trẻ bị sốt cúm A.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. 

Trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý những điều này.

Hạ sốt cho trẻ: Cha mẹ cần nới rộng quần áo trẻ, chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Người lớn cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, 4- 6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ; đồng thời vệ sinh đường hô hấp.

Vệ sinh mũi miệng: Phụ huynh dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng; không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn. Hàng ngày, cha mẹ nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.

Đồng thời, cha mẹ thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Trẻ còn bú mẹ nên tăng cường bú.

Cách ly trẻ tương đối: Người lớn nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy. Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để phòng cúm. Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Ngoài ra, các gia đình cần chú ý đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng….

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi nhiễm cúm A. (Ảnh: Suckhoedoisong)

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết gần đây số trẻ đến khám với các triệu chứng của cúm A tăng lên. Tháng 9-12 hàng năm mới đến mùa cúm A, cúm B và ở mùa này trẻ ít ốm và bệnh thường nhẹ, nhưng năm nay lại khác, sau mắc COVID-19 miễn dịch trẻ giảm nên ốm liên tục.

Không chỉ trẻ nhỏ, các bác sĩ lưu ý, nếu ai có triệu chứng cúm và thuộc nhóm nguy cơ cao, bị bệnh nặng hoặc lo lắng về bệnh thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn.

Người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm gồm: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, những người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh mãn tính. Ngoài ra, những người rất béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên cũng thuộc nhóm này

Những người nguy cơ cao bị biến chứng thường biểu hiện khởi phát cơn hen, vấn đề tim mạch, nhiễm trùng tai trong đó viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất. Đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, viêm phổi có thể gây tử vong.

Ngọc Hà

Tin mới