Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều thay đổi về cách ly, xét nghiệm trong chống dịch COVID-19 ở TP.HCM

(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định việc triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM sẽ có những thay đổi lớn về cách ly, xét nghiệm và điều trị.

Ngày 9/7, tại cuộc họp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 16 sẽ liên quan đến một số thay đổi lớn trong triển khai công tác phòng chống dịch tại TP.HCM.

Nhiều thay đổi về cách ly, xét nghiệm trong chống dịch COVID-19 ở TP.HCM - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM ngày 9/7.

Về cách ly, với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), F1 cách ly tại nhà, không cách ly tập trung. Nếu đông F1 lưu trú tại khu vực phong tỏa thì TP.HCM áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt đến khu cách ly tập trung. 

Với khu vực nguy cơ cao, thành phố có thể áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.

Các khu vực khác nguy cơ thấp hơn, TP.HCM áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt là trường hợp F1 lưu trú tại các gia đình đông người, khu chung cư, tập thể thực hiện cách ly tập trung theo quy định.

Về xét nghiệm, ông Long khẳng định, để thay đổi phù hợp với thực tiễn chống dịch, Bộ Y tế gửi văn bản hướng dẫn TP.HCM rất cụ thể. Thành phố có thể áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh. Việc tổ chức, điều phối công tác lấy mẫu xét nghiệm theo khu vực phù hợp với việc cách ly. Khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) sẽ lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần để phát hiện sớm trường hợp mắc COVID-19 và nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng.

Với khu vực nguy cơ cao, TP.HCM sẽ lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (tăng tần suất nếu cần) tại hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp cùng 1 ống. Với các khu vực khác, thành phố cần giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên hộ gia đình.

"Ngoài ra, TP.HCM cần thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… Xét nghiệm tầm soát 100% trường hợp ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp đến bệnh viện khám. Đồng thời thành phố phải lấy mẫu tại hộ gia đình với vùng nguy cơ cao và rất cao, không tổ chức điểm lấy mẫu tập trung. Nếu làm test nhanh phải trả mẫu ngay, làm PCR trong hộ gia đình thì làm gộp, tuyệt đối không làm cùng hộ gia đình khác", ông Long nhấn mạnh.

Về điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, TP.HCM cần phân chia điều trị theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh. Với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng cần điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19... Tuy nhiên, tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sang nhân viên chăm sóc, phục vụ và các khu vực xung quanh. 

Với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng sẽ điều trị tại các bệnh viện. Nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch điều trị tại 4 cơ sở y tế là: Bệnh viện Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV Nhân dân 115 và BV Nhân dân Gia Định.

Về công tác tiêm vaccine COVID-19, Bộ Y tế sẽ phân bổ tăng nguồn vaccine cho TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố cũng lưu ý khi tiêm chủng ở vùng nguy cơ rất cao và cao, cần tổ chức các điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi phù hợp. "Bộ Y tế sẽ điều 30 xe tiêm lưu động bao gồm bàn tiêm, thùng đựng vaccine hỗ trợ TP.HCM", ông Long nói.

Phạm Quý

Tin mới