Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Du khách lạ lẫm với diện mạo mới của Chùa Cầu 400 năm tuổi ở Hội An

(VTC News) -

Sau cuộc đại trùng tu, Chùa Cầu - biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của Hội An - khoác lên mình "tấm áo mới" khiến nhiều người thấy lạ lẫm.

Sau hơn một năm rưỡi được che chắn để thực hiện trùng tu, di tích Chùa Cầu - biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, dự kiến khánh thành ngày 3/8 tới.

Di tích Chùa Cầu hoàn thành toàn bộ các hạng mục trùng tu gồm: Hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình...

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: "Trong quá trình tu bổ Chùa Cầu, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn bởi có ý kiến khác nhau về việc trùng tu một số hạng mục, nhưng đáng mừng là việc tu bổ đến nay đã hoàn thành, gần như không có gì thay đổi với trước đây".

Tuy nhiên, mấy ngày qua, nhiều du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An chia sẻ, họ thấy lạ lẫm trước hình ảnh mới của Chùa Cầu.

"Vào dịp cuối tuần, tôi hay đưa gia đình từ TP Tam Kỳ ra Hội An dạo phố, thưởng thức ẩm thực và đặc biệt là ngắm các công trình di tích hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, tôi thực sự bất ngờ khi thấy một Chùa Cầu khác lạ so với trước đây. Nhìn Chùa Cầu với lớp sơn mới đậm màu hơn khiến tôi có cảm giác nó hiện đại chứ không cổ kính", anh M.C.Đ. (một người dân ở TP Tam Kỳ) nói.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Dự án này được khởi công ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ được tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này khi Chùa Cầu được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.

Hiện dư luận dấy lên 2 luồng ý kiến trái chiều, một bên đồng ý với quan điểm Chùa Cầu trước và sau trùng tu không có gì khác biệt, một bên lại cho rằng việc tu bổ này đang phá hoại di tích.

THANH BA

Tin mới