Sáng 12/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội liên quan các vấn đề về quản lý báo chí, viễn thông.
Tranh luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, nguồn thu thông qua quảng cáo giảm tới 80% vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội nên các cơ quan báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời ông ghi nhận sự quan tâm của Bộ trưởng đối với vấn đề kinh tế báo chí và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc báo chí tự chủ, có nguồn thu ổn định để hoạt động hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo đại biểu, sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết, nhưng cần được định hướng rõ ràng, tập trung vào việc hỗ trợ báo chí thực hiện tốt vai trò truyền thông chính sách, chứ không chỉ là nguồn thu để duy trì hoạt động.
Hoan nghênh với chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, song ông Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh rằng hiệu quả của công tác truyền thông chính sách mới là điều quan trọng nhất.
"Nếu chúng ta cứ cấp kinh phí, cấp ngân sách cho một số tờ báo và coi đó là "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi", rõ ràng chúng ta chưa quan tâm thực sự đến hiệu quả và chưa nhìn kỹ nội lực của báo chí, sự gắn bó mật thiết của báo chí với Nhân dân. Tôi không hiểu ngân sách của chúng ta sẽ bố trí được bao nhiêu để nuôi các cơ quan báo chí?", ông Đỗ Chí Nghĩa đặt vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi 100%, nhưng khi xuất hiện kinh tế thị trường có "đất sống là quảng cáo".
"Có xu thế các cơ quan báo chí "rời bỏ ngân sách Nhà nước để sang bên kia sống cho thoải mái". Nhưng khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại, lại thấy khó khăn. Tôi nghĩ rằng cần đi đều, không nên cực đoan", Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực tế, khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách, còn 70% là các cơ quan báo chí tự bươn chải nhưng không đều.
"Có rất nhiều cơ quan báo chí lớn, ảnh hưởng rất mạnh đến truyền thông nước nhà lại không có hỗ trợ, 100% thị trường. Báo chí mà 100% dựa vào thị trường thì liệu có trở thành báo chí thị trường hay không? Vấn đề này chúng ta rất cần cân nhắc, quan tâm", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Bộ trưởng đặt câu hỏi Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không?
"Nếu Nhà nước nuôi toàn bộ, từ cơ sở vật chất, lương cho anh em thì Nhà nước không phải chi trả tiền này. Nhưng cơ sở vật chất, chi thường xuyên, nhiều cơ quan báo chí cũng tự lo. Khi đó, Nhà nước đặt hàng truyền thông có nguồn ngân sách đi kèm theo là phù hợp. Nhưng cũng có cơ quan báo chí đến giờ này 100% tiền Nhà nước, không bươn chải thị trường, không bám rễ vào thị trường, tức là ít độc giả. Do đó nên sửa chỗ này", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Vẫn theo Bộ trưởng, cần đi trên 2 chân, dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của Nhà nước, đồng thời cũng cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng.