Sáng 12/11, chất vấn nhóm vấn đề Thông tin và Truyền thông, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nhất để xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng.
Trả lời, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề này Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cần vào cuộc xác định hành vi có phải mê tín dị đoan hay không.
"Khi xác định đó là hành vi mê tín dị đoan và cần xác định danh tính hoặc cần ngăn chặn thì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ xử lý vấn đề này rất nhanh", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi để báo sang Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch để xử lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với các mạng xã hội, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phát triển các công cụ để tự rà quét và khi phát hiện nội dung mê tín dị đoan thì hạ xuống.
Bộ trưởng khẳng định, các mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh thu về rất nhiều lợi nhuận thì phải có trách nhiệm làm lành mạnh hóa không gian mạng.
"Chúng ta phải xử lý mạnh tay các đối tượng mê tín dị đoan. Có đối tượng thì xử lý hành chính, còn nếu đối tượng vi phạm các bộ luật dân sự hoặc vi phạm nhiều lần thì có thể xử lý hình sự", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)
Liên quan đến công tác quản lý nội dung trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho biết, sự phát triển mạng xã hội bùng nổ kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, gây bức xúc. Với vai trò quản lý Nhà nước, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nói rõ những phương án nào để quản lý mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.
Bàn về một số giải pháp, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế. "Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Trong nghị định mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam", Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho hay, trước đây chúng ta nghĩ đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước nhưng thực ra trách nhiệm lớn thuộc về các nền tảng xã hội. Do đó, các nền tảng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Theo Bộ trưởng, chúng ta sống trong không gian số khoảng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Do đó, Bộ đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các trung tâm như vậy.