Theo Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, ngành công nghiệp thuốc lá được coi là "trung gian truyền bệnh ở quy mô toàn cầu" khi thuốc lá được chứng minh gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Ngành công nghiệp thuốc lá có nhiều "chiêu trò" để cản trở việc đề xuất cấm thuốc lá mới như mua chuộc ngầm hoặc công khai các quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; thổi phồng về vai trò kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá; bóp méo các luồng ý kiến công chúng nhằm tạo hình ảnh doanh nghiệp tốt; dựng lên các nhóm bề mặt để gây ảnh hưởng; tìm cách làm giảm giá trị các bằng chứng nghiên cứu.
Ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng các hoạt động tài trợ và danh nghĩa khoa học để đánh bóng hình ảnh và gây ảnh hưởng; đôi khi là những cái tên rất trá hình như “thế giới không khói thuốc” tài trợ các nghiên cứu về phòng chống tác hại thuốc lá tuy nhiên lại do chính công ty thuốc lá tài trợ.
Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh: NL)
Tại Điều 5.3 trong công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) quy định khi ban hành và thực thi các chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá, các bên Công ước sẽ hành động để bảo vệ các chính sách này khỏi sự can thiệp bởi các lợi ích thương mại và các lợi ích riêng khác của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia.
Mục tiêu của điều 5.3 công ước khung về kiểm soát thuốc lá là bảo vệ chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do tác động từ lợi ích thương mại và lợi ích riêng của ngành công nghiệp thuốc lá.
Chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá bao gồm chính sách, chương trình và chiến lược liên quan đến các điều được quy định trong công ước khung ở nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, văn hoá, giáo dục, môi trường, tài chính, thực phẩm và thuốc.
Theo ThS. Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, một số bác sĩ của ngành y tế tham gia một số hội thảo mà ngành công nghiệp thuốc lá đứng đằng sau hỗ trợ tài chính không biết rằng chính mình đã vi phạm khoản 5.3 Công ước khung.
Bộ Y tế đang xây dựng một số chính sách ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi và đề xuất ban hành nghị quyết về cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu quảng cáo thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đây là 2 văn bản pháp lý quan trọng thể hiện rất rõ về việc đấu tranh về lợi ích y tế công cộng với các lợi ích nhóm, lợi ích của doanh nghiệp, ngành công nghiệp thuốc lá.
Liên quan đến vấn đề này, ThS. Đào Thế Sơn, Chuyên gia Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies bày tỏ quan điểm về vấn đề “lobby” chính sách. Đây là 1 thực tiễn xảy ra ở các quốc gia, đặc biệt là các công ty có động cơ lợi nhuận.
“Để đạt được lợi nhuận các công ty này sẽ đưa ra rất nhiều phương thức để đạt được mục đích. Thế nhưng với những công ty kinh doanh những sản phẩm có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến toàn dân thì chúng ta cần hạn chế tối đa việc lobby này. Không thể vì 1 lợi ích nhỏ của một nhóm mà ảnh hưởng đến sức khỏe toàn dân”, ông Sơn nói.