Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhầm lẫn hoá đơn tiền điện: Gần 90 triệu dễ khiếu nại, vài trăm nghìn sẽ ra sao?

(VTC News) -

Liệu rằng, nếu hoá đơn tiền điện chỉ chênh lệch vài chục, vài trăm nghìn đồng, người dân sẽ dựa vào đâu để xác thực đúng sai?

Mới đây, sự việc hoá đơn tiền điện tháng 6 của một hộ nghèo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) bị ghi nhầm lên gần 90 triệu đồng và một khách hàng ở Quảng Bình bị nhầm 58 triệu đồng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngay sau khi nhận khiếu nại, Chi nhánh Điện lực huyện Vân Đồn cùng Công ty Điện lực Quảng Bình đã cử nhân viên xuống kiểm tra, giải quyết. Hai cơ sở điện lực này đã sửa lại chỉ số đúng, giải thích và xin lỗi khách hàng. Bên cạnh đó, các cán bộ trực tiếp liên quan cũng bị phê bình và đình chỉ công tác.

Nhân viên điện lực Việt Nam.

Sự việc đã được giải quyết rõ ràng nhưng dư âm của nó tiếp tục trở thành đề tài được bàn luận xôn xao trên nhiều diễn đàn. Các ý kiến thẳng thắn đặt câu hỏi: Chỉ khi hoá đơn tiền điện chênh lệch đến hàng chục triệu đồng, người dân mới có cơ sở để khẳng định mình không dùng điện đến mức đó và chắc chắn hoá đơn bị tính nhầm. Liệu rằng, nếu hoá đơn chỉ chênh lệch vài chục, vài trăm nghìn đồng, đâu sẽ là cơ sở để họ xác thực đúng sai?

Không ít người bày tỏ sự nghi hoặc, “giật mình” tìm xem lại hoá đơn tiền điện của gia đình.

Trước tình trạng dư luận đồng thanh thắc mắc: “Tại sao hoá đơn tiền điện bỗng đồng loạt tăng vọt?”, EVN đăng thông cáo giải thích: “Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến tiền điện tăng”.

Trong tháng 6, số khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% là 7,22 triệu. (Ảnh: EVN).

Tuy nhiên, lời giải thích này dường như không thoả mãn được nỗi băn khoăn trên. Là người tiêu dùng, người dân chắc chắn có thể hiểu được quy luật  “dùng nhiều, trả nhiều”. Nhưng điều đáng nói là có những hộ gia đình vắng nhà cả tháng, không sử dụng điều hoà hay thậm chí có người đi công tác xa, khi quay lại thành phố, số tiền họ phải đóng tăng gấp 3 so với những lần có tiêu thụ trước đó.

Hơn nữa, các trường hợp này, khi kiểm tra lại công tơ, chỉ số đầu khớp với chỉ số cuối nên họ chẳng có cớ để khiếu nại ai. Họ không nắm gì trong tay ngoài cảm giác cảm thấy lạ lùng là bản thân không dùng nhưng vẫn phải đóng tiền.

Nhưng khi không có bằng chứng xác thực thì ai sẽ vào cuộc, cơ quan nào sẽ rà soát lại những sai sót có khả năng xảy ra?

Ngoài ra, có thể nhận thấy trong quá trình lắp đặt, đưa vào sử dụng và thống kê đồng hồ tính công tơ điện, vai trò kiểm tra, giám sát của người dân gần như không có. Thậm chí, đồng hồ tính công tơ điện đa phần là do đơn vị cung cấp điện mua và lắp đặt. Người dân chỉ là khách hàng, người tiêu thụ điện. Hàng tháng, họ được nhận một tờ biên lai với chỉ số công tơ điện đã dùng. Con số này được nhân viên ghi chỉ số công tơ tổng hợp qua máy tính, theo lối thủ công.

Những nhầm lẫn trong quá trình tính toán, đặc biệt khi thống kê số điện thủ công là điều khó tránh khỏi. Dù vậy, những sai số lớn trong hoá đơn tiền điện ở Quảng Ninh và Quảng Bình vẫn phản ánh phần nào sự lỏng lẻo trong khâu kiểm tra, giám sát của đơn vị cung cấp điện.

Người dân còn nhiều thắc mắc về hoá đơn điện vào các tháng mùa hè.

Để người dân tin tưởng, ngành điện lực cần nhanh chóng có những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tồn đọng, rủi ro như nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của nhân viên ghi số điện; hướng tới tính toán nâng cấp kỹ thuật đồng hồ tính công tơ điện.

Có thể nói, điện, nước là nguồn sống cơ bản của người dân, đặc biệt là trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay. Một hóa đơn sai sót 90 triệu đồng vô hình trung sẽ làm giảm uy tín của EVN. 

Đồng hồ điện có thể thay mới, hoá đơn tiền điện làm sai có thể hủy cũ làm lại, nhưng liệu cho đến bao giờ người dân mới hết cảnh "nín thở" chờ hoá đơn tiền điện mỗi khi mùa hè đến, nắng nóng đỉnh điểm?

Theo bạn, ngành điện có cần thay đổi cách tính giá điện hiện nay?

Hạ Vũ

Tin mới