Ngày 4/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đơn vị vừa có văn bản với nội dung thông tin kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh – ông Lê Trí Thanh về hoạt động Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (đóng ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc).
Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân chưa thể hoạt động trở lại.
Theo đó, ông Thanh chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức quan trắc hiện trạng, lấy mẫu nước giếng của các nhà dân khu vực gần hầm Cigar của Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân để đo đạc, phân tích khả năng bị ô nhiễm từ hầm Cigar này.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND huyện Đại Lộc khẩn trương lập phương án di dời và tham mưu giải quyết đối với các hộ dân gần nhà máy cồn.
Bên cạnh đó, ông Thanh giao cho Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - ông Huỳnh Khánh Toàn chủ trì, chỉ đạo UBND huyện Đại Lộc, Sở Tài nguyên - Môi trường, các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại với người dân về việc nhà máy cồn hoạt động trở lại.
Như VTC News đưa tin, từ sau sự cố tràn dầu fusel xảy ra vào đêm 18/9/2019, Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân bị ngưng hoạt động vì vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía người dân địa phương.
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy từ đêm 18/9 đến ngày 10/10/2019.
Cụ thể, từ thời điểm xảy ra sự cố đến ngày 10/10/2019, người dân dựng lều trước cổng nhà máy để chặn các xe vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm vào ra. Người trong thôn cắt cử nhau luân phiên túc trực, nấu ăn tại chỗ với quyết tâm ngăn nhà máy hoạt động.
Sau 5 tháng “đóng cửa” để tập trung khắc phục hậu quả, tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân được hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, cả trăm hộ dân thôn Nam Phước cương quyết phản đối.
Do đó, hiện tại, nhà máy cồn vẫn chưa thể đi vào hoạt động trở lại như dự tính.
Nhà máy Ethanol Đại Tân thuộc Công ty Cổ phần Đồng Xanh với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải.
Sau khoảng hai năm đi vào hoạt động, tháng 11/2012, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn.
Đến tháng 3/2015, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại toàn bộ nhà máy này. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy nhiều lần để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường.
Video: Dân tố nhà máy cồn Đại Tân lợi dụng trời mưa xả thải chất bẩn ra môi trường ngày 25/9/2019: (Video: Người dân cung cấp)