Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người Việt Nam bắt đầu đón Tết Trung thu từ bao giờ?

(VTC News) -

"Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng; đầu cỗ là bánh mặt trăng...", học giả Phan Kế Bính viết về tục đón Trung thu xưa.

Được tổ chức vào rằm tháng tám âm lịch hàng năm, Tết Trung thu là ngày đoàn viên, mọi người được quây quần phá cỗ và cùng nhau ngắm trăng ước nguyện. Vậy Tết Trung thu ở Việt Nam bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ? Đây là câu hỏi xuất hiện từ lâu nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác. 

Ở Trung Quốc, Trung thu gắn liền với câu chuyện vua Đường Hoàng Mình lên cung trăng du ngoạn. Để ghi nhớ cuộc vui chơi đầy luyến tiếc đó, khi trở về, ông ra lệnh lấy ngày rằm tháng 8 để tổ chức lễ hội vui chơi, uống rượu, rước đèn và ngắm trăng, khiến Tết Trung thu trở thành phong tục.

Chơi đèn ông sao là niềm vui của trẻ em Việt trong mỗi dịp Trung thu.

Có người cho rằng Tết Trung thu vốn từ Trung Quốc du nhập Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng cái du nhập có thể chỉ là tên gọi và vài nét về tổ chức vui chơi. Còn trên thực tế, người Việt đã có lễ hội trăng tròn mùa thu từ thời cổ đại, được khắc họa trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Trung thu là thời gian nhà nông hoàn thành việc thu hoạch vụ mùa nên tổ chức vui chơi, ăn mừng và cầu nguyện cho mùa sau mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu.

Các sự tích về Trung thu Việt Nam gắn với chú Cuội. Nếu như người Trung Quốc tổ chức múa rồng trong dịp này thì người Việt lại múa sư tử hay múa lân - linh vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và điềm lành. Xưa, người Việt còn tổ chức hát trống quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Trung thu của Việt Nam cũng nghiêng về trẻ em, cỗ Trung thu cũng dành cho trẻ em là chính, gồm những thức mà trẻ thích.

Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục: "Dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".

Hình ảnh Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với các loại đèn truyền thống như đèn kéo quân, đèn con cá, đèn ông sao... Tại các  vùng quê, cứ đến những ngày tháng tám, vào buổi tối trẻ em hàng đoàn rồng rắn rước đèn trong tiếng trống, rộn ràng cả xóm làng.

Các loại bánh nướng, bánh dẻo cũng là nét đặc sắc về hương vị Trung thu, với hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất. Ngày nay, ngoài hương vị truyền thống, bánh nướng và bánh dẻo được biến tấu với hàng trăm loại nhân khác nhau nhưng vẫn giữ "hồn cốt" rất riêng của Trung thu Việt. 

Dù nhịp sống hiện đại, nhiều nơi không còn phá cỗ trông trăng, nhưng sự hiện diện của những chiếc bánh trung thu như món quà thể hiện sự hiếu thảo biếu ông bà cha mẹ, việc dành thời gian cùng cắt miếng bánh, uống chén trà hàn huyên bên nhau cũng đủ đem lại cảm giác yên bình, hạnh phúc và tinh thần đoàn viên của Trung thu truyền thống. Và đặc biệt, trẻ em vẫn luôn là nhân vật trung tâm của ngày vui này, với ý nghĩa chăm sóc cho các mầm non của đất nước, để Việt Nam luôn thịnh vượng, trường tồn.

Nguyên Thảo (Tổng hợp)

Tin mới