Những chiếc bánh trung thu bị cắt ra rồi bỏ mứa trên bàn sinh hoạt chung là cảnh quen thuộc ở cơ quan tôi những ngày tháng 8 âm lịch, kéo dài khoảng 3 tuần ngay cả khi Tết Trung thu đã đi qua. Do tính chất công việc nên không chỉ sếp mà nhân viên chỗ tôi làm cũng được tặng bánh dịp rằm tháng 8. Chỉ một phần trong số đó được đem biếu người khác hoặc mang về cho người nhà; còn phần lớn được bày ra bàn, anh chị em hô hào, động viên nhau ăn cho vui và đỡ phí.
Không khí đông vui khiến công sở là nơi tiêu thụ bánh trung thu tốt nhất, thế nhưng ngày nào cũng vậy, điểm đến cuối cùng của phần lớn chỗ bánh trên bàn vẫn là thùng rác. Ai cũng giục nhau ăn, nhưng bản thân chỉ nhấm một chút rồi đặt xuống; bao nhiêu chiếc bánh đắt tiền chỉ bị moi đúng lòng đỏ trứng muối rồi bỏ đi. Quá ngọt, không hợp khẩu vị, dễ gây tăng cân… là lý do ít người mặn mà với nó.
Tình trạng này xảy ra ở rất nhiều công sở. Ai cũng biết là lãng phí khủng khiếp, vì bánh trung thu không hề rẻ, dù là loại bình dân cũng vài trăm nghìn đồng một hộp 4 chiếc, nhưng không thể ăn cố. Muốn cho lại người khác cũng không dễ, khi mà nhà họ cũng có rồi.
Bánh trung thu lãng phí không chỉ với tư cách thực phẩm. Việc dành chi phí lớn cho bao bì, phụ kiện (thường cao hơn tiền bánh thậm chí đến hàng chục lần đối với sản phẩm hạng sang) thực sự là ném tiền qua cửa sổ, vì đó đều là thứ không được tái sử dụng. Những ai từng mở nhiều hộp bánh trung thu tiền triệu hẳn đều thấy xót của bởi sự “đẹp mà vô dụng” của nó. Đồ bao gói và phụ kiện rất hoành tráng với túi giấy cao cấp, hộp bìa cứng hoặc gỗ, vải lót, lớp giấy nến, khay cứng đựng bánh, giá đỡ, hộp giấy cho riêng từng chiếc bánh, bao gói nylon, thiệp chúc mừng, thậm chí cả dao cắt bánh bằng nhựa.
Mở mãi, bóc mãi qua nhiều lớp thì thấy 4 - 6 chiếc bánh nhỏ, thường không mấy khác biệt với bánh bình dân và giá thành sản xuất chắc chỉ mấy chục nghìn đồng.
Với những hộp bánh trung thu cầu kỳ như thế này, chi phí bao bì gấp nhiều lần tiền bánh.
Những vỏ hộp bánh trung thu xa xỉ ấy chỉ thỏa mãn được phần nhìn trong giây lát rồi lập tức bị biến thành rác. Nói cách khác, trong nhiều trường hợp, chúng được sản xuất chỉ để người ta mua biếu, mở ra rồi vứt bỏ. Giá trị sử dụng cực kỳ thấp so với số tiền bỏ ra. Người nhận cũng không thu được gì ngoài cảm giác phù phiếm trong phút chốc, sau đó thì không biết làm gì với cả bánh lẫn hộp.
Có một nghịch lý là so với vài thập kỷ trước, độ xa hoa tốn kém dành cho bánh trung thu tăng hàng chục, hàng trăm lần, nhưng cảm xúc mà nó mang lại trong mùa trăng rằm tháng 8 lại giảm đi cũng hàng trăm lần. Ngày xưa, chiếc bánh nướng, bánh dẻo đơn sơ không bao gói cầu kỳ đem lại nụ cười rạng rỡ cho trẻ con lẫn người lớn trong đêm phá cỗ. Cả nhà chia nhau chiếc bánh, sung sướng tận hưởng từng chút hương vị ngọt ngào của nó và không khí đoàn viên. Còn bây giờ, bánh trung thu càng đắt tiền thì càng được trao và sử dụng một cách không cảm xúc, chỉ dành cho các mối quan hệ lợi ích, xã giao.
Không phải vô cớ mà Trung Quốc có chính sách kiểm soát, hạn chế bánh trung thu siêu cao cấp, coi đó là những sản phẩm "đi ngược lại văn hóa truyền thống, góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng xa hoa, lãng phí và gây tác động xấu đến bầu không khí xã hội". Có lẽ người Việt Nam chúng ta cũng nên nhớ lại tinh thần của Trung thu truyền thống, để trải nghiệm mùa trăng rằm tháng 8 một cách nhiều ý nghĩa và cảm xúc hơn. Đừng để chiếc bánh trung thu tủi phận khi giá trị của nó trở nên quá nhỏ bé so với đồ bao gói, phụ kiện, như một minh chứng cho thấy giá trị ảo lấn át giá trị thật.
Đó là chưa kể, khi lược bớt những hộp, những bao gói tốn kém cồng kềnh chỉ dùng một lần ấy, chúng ta đã giảm bớt gánh nặng đáng kể cho môi trường.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.