UBND TP Đà Nẵng thống nhất các biện pháp mới về tiếp nhận, quản lý, theo dõi công dân từ các tỉnh, thành vào thành phố theo phương án của ngành tế y tế đề xuất.
Theo đó, Đà Nẵng chia ra 3 nhóm người từ bên ngoài vào thành phố để kiểm soát, giám sát y tế, đảm bảo các điều kiện phòng dịch.
Nhóm thứ nhất là người về Đà Nẵng từ vùng không có dịch (thôn, xóm không có ca mắc cộng đồng trong 14 ngày, xã, phường không áp dụng Chỉ thị 15, 16, Quyết định 2689 của thành phố) và có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ thì không bị cách ly.
Các trường hợp này khi tới cửa ngõ thành phố sẽ được yêu cầu khai báo y tế bằng mã QR Code và được giải quyết qua chốt kiểm soát dịch để vào thành phố.
Đà Nẵng đón công dân từ TP.HCM về thành phố và đưa đi cách ly tập tung.
Nhóm thứ hai là người về từ các địa phương có dịch (vùng áp dụng Chỉ thị 15, 16, Quyết định 2689) hoặc trường hợp có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền thì vẫn áp dụng theo các quy định cụ thể.
Cụ thể, người về từ vùng dịch mà tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã được chữa khỏi COVID-19 thì cách ly tại nơi lưu trú 14 ngày và thực hiện 4 lần xét nghiệm.
Trường hợp này khi di chuyển từ chốt kiểm soát phải cam kết đi thẳng về nhà, tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không dừng, đỗ, không tập trung, không tiếp xúc, nói chuyện trong quá trình di chuyển từ chốt kiểm soát dịch về nơi lưu trú.
Người về từ vùng dịch mà chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine thì cách ly tập trung 14 ngày.
Nếu người dân chọn cách ly tại khách sạn cách ly y tế thì liên hệ với khách sạn để bố trí phương tiện đón tại chốt kiểm soát dịch.
Nếu công dân cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung, công dân địa chỉ nào thì cách ly tập trung tại cơ sở cách ly đóng trên địa bàn quận, huyện đó hoặc cơ sở cách ly trên địa bàn chốt kiểm soát dịch đóng chân hoặc cơ sở cách ly y tế của thành phố.
Nhóm thứ ba là người hoạt động trên “luồng xanh” vận tải toàn quốc có điểm giao nhận hàng tại Đà Nẵng phải thực hiện xét nghiệm tại chốt kiểm soát. Trường hợp âm tính, khi vào Đà Nẵng phải thực hiện khai báo y tế. Nếu ở lại Đà Nẵng quá 12 tiếng phải thực hiện lưu trú tập trung tại các địa điểm do thành phố tổ chức.
Liên quan tình hình đi lại của người dân giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, Sở Y tế 2 địa phương cũng bàn bạc, thống nhất dự thảo hướng dẫn riêng.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều tối 7/10, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ngành y tế 2 địa phương cơ bản thống nhất phương án để người dân Quảng Nam và Đà Nẵng đi lại thuận lợi hơn nhưng vẫn đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Người dân từ Quảng Nam ra Đà Nẵng thực hiện khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch trên đường Trần Đại Nghĩa.
Trong đó, đối với người từ Quảng Nam vào Đà Nẵng mà từ vùng dịch (tức vùng đỏ) thì vẫn phải áp dụng biện pháp cách ly theo quy định chung.
Với trường hợp đã thực hiện tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi thì không phải thực hiện xét nghiệm, nhưng đảm bảo nguyên tắc: phải có cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, có các giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị tại Quảng Nam hoặc Đà Nẵng xác nhận đăng ký thường trú và không ra khỏi địa bàn trong vòng 14 ngày (tức là người dân đó không đi đâu ngoài Quảng Nam và Đà Nẵng trong vòng 14 ngày).
Riêng đối với người chưa được tiêm vắc xin đầy đủ, 2 địa phương thống nhất đề nghị giãn thời gian xét nghiệm 3 ngày như hiện nay lên thành 7 ngày.
“Tinh thần là Sở Y tế Đà Nẵng và Quảng Nam đã thống nhất các nội dung, biện pháp này”, bà Thủy cho biết.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thống nhất với phương án ngành y tế đưa ra nhưng lưu ý vẫn phải đảm bảo thực hiện các quy định phòng chống dịch mà thành phố đang áp dụng cho người các địa phương khác đến Đà Nẵng. “Cơ bản là mình cũng thống nhất ở mức độ cho phép vì mình phải bảo vệ được mình”, ông Chinh lưu ý.