"Nếu mặt trận sụp đổ, có thể sẽ có sự thay đổi. Nhưng hiện tại, Ba Lan không có ý định gửi quân tới Ukraine", Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết.
Theo ông Sikorski, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng "rất miễn cưỡng" nếu bắt buộc phải đưa quân tới Ukraine. Ngay cả đề xuất bắn hạ tên lửa hành trình của Nga trên miền Tây Ukraine bằng tên lửa đánh chặn của Ba Lan cũng là một vấn "rất, rất gây tranh cãi", vì điều này tương đương với việc tham gia vào cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. (Ảnh: Getty)
Phía Ba Lan lo ngại việc gửi quân tới Ukraine sẽ khiến Nga nghi ngờ ý định của họ tại lãnh thổ Ukraine. Warsaw sẵn sàng đào tạo binh lính Ukraine và tạo điều kiện cho công dân Ukraine đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự trở về, ông Sikorsky cho biết. Nhưng "việc đưa binh lính Ba Lan tới Ukraine là điều không thể thực hiện được. Trừ khi có một thỏa thuận hòa bình, và lực lượng của Ba Lan được coi là lực lượng gìn giữ hòa bình, Liên hợp quốc hoặc thứ gì đó. Khi đó, mọi chuyện sẽ khác, có lẽ vậy", ông nói thêm.
Ông Sikorski nhận định việc các thành viên NATO khác can thiệp quân sự vào Ukraine cũng là điều khó xảy ra, vì "không ai muốn tham gia xung đột với Nga ở Tây Âu, đây là một lằn ranh đỏ tuyệt đối".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ba Lan cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine bất kể trường hợp nào.
Ông cũng mô tả những lời kêu gọi công khai của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, một đồng minh của chính phủ bảo thủ trước đây, về việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất Ba Lan là "rất vô ích". Nếu được triển khai, những vũ khí như vậy sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Warsaw và sẽ không tạo ra sự khác biệt đối với Nga, vì các quốc gia châu Âu khác đã có vũ khí tương tự, ông Sikorsky nhận định.
"Giống như một người đưa thư có một tấm séc trị giá một triệu USD, bạn cảm thấy mình quan trọng, như thể một triệu USD này là của mình", ông giải thích.