Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghịch lý thừa điện mặt trời: Cách nào cứu doanh nghiệp?

(VTC News) -

Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp tích trữ với các nhà máy điện mặt trời để không lãng phí nguồn đầu tư và chuyển dịch sang năng lượng sạch.

Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng bài toán giảm phát điện mặt trời sẽ không có lời giải khi quy hoạch còn chắp vá, hệ thống truyền tải yếu kém và hệ thống lưu trữ điện không được tích hợp.

Nâng cấp lưới điện truyền tải

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng sự bùng nổ của điện mặt trời là điều đáng mừng, cho thấy tương lai hứa hẹn của năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Nhưng sự phát triển quá nóng của điện mặt trời khi hệ thống truyền tải không theo kịp đang gây ra nhiều hệ lụy, đẩy nhà đầu tư vào cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”.

“Doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi điện sản xuất ra không thể hoà lưới. Hoặc đã hòa lưới nhưng bị giảm phát do lưới điện quá tải”, ông Long nói.

Nhiều doanh nghiệp điện mặt trời đang rơi vào khó khăn do bị giảm phát. (Ảnh minh hoạ)

Bộ Công Thương cho biết trong quá trình xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời đã xem xét bổ sung cả các dự án đường dây truyền tải, cấp 110 - 220 - 500 kV. Quy hoạch phát triển các nhà máy điện mặt trời và quy hoạch lưới điện đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy được phê duyệt đồng bộ với nhau.

Nhưng thực tế các dự án điện mặt trời triển khai rất nhanh để được hưởng mức giá ưu đãi. Có dự án chỉ làm trong 6 tháng, thậm chí 4 tháng đã xong. Trong khi các dự án đường dây như 110 kV mất tầm 2 năm từ chuẩn bị đầu tư tới lúc hoàn thành, đường dây 220 kV mất từ 2 - 3 năm và đường dây 500 kV mất từ 3 - 5 năm. Dẫn đến có chuyện không đồng bộ giữa đường dây truyền tải với các dự án điện mặt trời.

Bên cạnh đó, do còn vướng mắc về quy định pháp luật về xã hội hoá lưới điện truyền tải nên chỉ nhà nước đầu tư lưới điện truyền tải mà chưa có điều kiện huy động nguồn vốn đầu tư từ xã hội (tư tư nhân, nước ngoài...) nên tiến độ đầu tư lưới điện truyền tải còn chậm, chưa theo kịp tiến độ đầu tư nguồn điện. 

“Việc không đồng bộ giữa nguồn và lưới nêu trên dẫn đến tình trạng một số nhà máy điện mặt trời không phát được hết công suất do các công trình lưới điện đấu nối giải tỏa tương ứng chưa hoàn thành”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Tuy nhiên theo ông Long, nhà nước đã có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm điện mặt trời, thì phải có trách nhiệm mua mua hết công suất nhà máy. Ép giảm phát là quá vô lý, gây lãng phí nguồn lực và đẩy khó khăn về phía nhà đầu tư.

“Để có thể giải phóng hết công suất các dự án nguồn điện mới bổ sung cần những giải pháp đột phá, trong đó nên mở cửa để tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải. Doanh nghiệp tư nhân có tiền, có sự linh hoạt, nếu giao họ đầu tư hệ thống truyền tải sẽ đẩy nhanh được tiến độ dự án”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Thúc đẩy hệ thống lưu trữ năng lượng

Đại diện một nhà máy điện mặt trời cho biết một trong những giải pháp căn cơ giải bài toán “thừa điện” mặt trời là thúc đẩy hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời (ESS).

“ESS là giải pháp cho phép sử dụng điện mặt trời chi phí thấp vào giờ trưa để sạc và xả vào giờ cao điểm để đáp ứng phụ tải đỉnh. Hệ thống này không xa lạ gì cả. Nhiều nước sử dụng rồi. Quan trọng là có cơ chế để phát triển”, vị này nói và khẳng định công nghệ này hoàn toàn có thể triển khai được, tuy chi phí hơi cao, khoảng 10 tỷ đồng cho 1 MW lưu trữ.

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai sẽ rất lớn và năng lượng mặt trời sẽ có sự tăng trưởng cực nhanh. Vấn đề đặt ra là cần có nhiều hệ thống lưu trữ, tích trữ điện mặt trời đảm bảo sự phân bổ cũng như không để xảy ra sự tắc nghẽn trên lưới điện, để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội và thực hiện chuyển dịch sang năng lượng sạch nhanh nhất có thể. Lưu trữ năng lượng là công nghệ tất yếu, bắt buộc phải đồng hành với phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Mark Lesile, Công ty tài chính Macquarie cho hay điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp hỗ trợ tích hợp nguồn điện mặt trời vào lưới điện bằng cách giới hạn công suất phát lên lưới cho quá trình nạp xả của hệ thống lưu trữ. Giải pháp này rẻ hơn, ít phát thải hơn các dạng nguồn có thể dự báo như than, khí.

Do nguồn điện mặt trời không liên tục và biến động thất thường nên có thể gây ra những vấn đề về tần số, điện áp, điều độ đối với đơn vị vận hành lưới điện. Việc kết hợp giữa điện mặt trời và hệ thống lưu trữ có thể làm mịn đặc tính phát, vì thế ít tác động đến vận hành lưới điện, giúp nguồn phát điện mặt trời ổn định hơn.

Ngoài các giải pháp trên, chia sẻ với VTC News, đại diện Bộ Công Thương cho hay sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển điện mặt trời nhằm phát triển đúng hướng tránh tình trạng “nhà nhà người người” lắp điện áp mái như hiện nay.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng cơ chế và đề xuất các giải pháp về khung chính sách, thể chế, nguồn lực báo cáo Thủ tướng xem xét, ban hành áp dụng trên toàn quốc”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp điện mặt trời?

Trả lời VTC News, đại diện Bộ Công Thương cho hay từ giữa năm 2019, dưới sự chỉ đạo sát sao Thủ tướng, Bộ Công Thương cùng với ngành điện đã thực hiện hàng loạt biện pháp để giảm tình trạng cắt giảm công suất.

Cụ thể như khẩn trương triển khai xây dựng bổ sung hệ thống truyền tải, hệ thống phân phối; tăng cường khả năng điều độ, vận hành hệ thống điện phù hợp với điều kiện thời tiết; điều chỉnh thứ tự điều độ hệ thống điện theo hướng ưu tiên huy động nguồn điện năng lượng tái tạo; điều chỉnh giờ phát cao điểm của thủy điện nhỏ lệch với giờ phát cao điểm của điện mặt trời. Đến cuối năm 2019 hiện tượng quá tải hệ thống truyền tải đã cơ bản được giải quyết.

Tuy vậy sang năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu điện giảm dẫn đến dư thừa nguồn. Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, EVN đã thực hiện giảm phát điện từ các nhà máy điện như thủy điện, nhiệt điện và dự án điện năng lượng tái tạo và việc cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo được thực hiện sau cùng.

Hoà Bình

Tin mới