Với nhiều ưu điểm vượt trội, phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện mặt trời được cho sẽ khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp có tiềm năng, góp phần bảo đảm khả năng thành công cao của các dự án.
Bỏ giá FIT áp dụng đấu thầu điện mặt trời
Trả lời VTC News ngày 1/4 đại diện Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các tổ chức quốc tế như WB, ADB nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo dự kiến áp dụng sau năm 2021.
Đấu thầu dự án là tối ưu trong phát triển điện mặt trời. (Ảnh minh hoạ)
Theo đó, các nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất.
Mục đích để phát triển đúng hướng, khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng “nhà nhà người người” lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.
Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình điện áp mái đều có một mức giá như trước đây.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo cũng quy định tỷ lệ tự dùng nhất định, bởi điện mặt trời trên mái nhà khuyến khích tự dùng tại chỗ để giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối, thay vì đưa hết điện lên lưới.
Dự kiến dự thảo được trình Chính phủ và sớm ban hành nhằm thay thế một phần quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vốn đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020.
Theo kết quả nghiên cứu ban đầu về mô hình đấu thầu, các chuyên gia đều cho rằng khung pháp lý hiện hành cần được hoàn thiện để triển khai đấu thầu điện mặt trời nhằm đảm bảo xây dựng mô hình công bằng, minh bạch và khả thi với mục tiêu thúc đẩy phát triển các nguồn điện mặt trời và tối ưu hóa chi phí.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng cơ chế và đề xuất các giải pháp về khung chính sách, thể chế, nguồn lực báo cáo Thủ tướng xem xét, ban hành áp dụng trên toàn quốc”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước đó đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất cơ chế đấu thầu cho các dự án điện mặt trời, trong đó đề xuất 3 phương án. Cụ thể, phương án 1 là đấu thầu cho từng dự án để bổ sung vào quy hoạch trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh và Viện Năng lượng thẩm định. Các dự án được lựa chọn là những dự án lớn, có điều kiện thuận lợi về bức xạ, điều kiện đấu nối tốt và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định để thực hiện đấu thầu theo hình thức này.
Trong khi phương án 2 là đấu thầu đại trà cho những dự án điện do các tỉnh đề xuất, đã phù hợp với quy hoạch đất đai của các tỉnh. Phương án này thực hiện trên nguyên tắc kiểm tra điều kiện đấu nối cho mỗi vòng đấu thầu theo nguyên tắc EVN chỉ xây dựng các công trình lưới theo quy hoạch và chủ đầu tư chịu trách nhiệm các công trình đấu nối đến lưới điện do EVN sở hữu.
Cuối cùng, phương án 3 là đấu thầu theo khu vực, áp dụng cho tất cả các chủ đầu tư có nhu cầu, đấu thầu tại các khu vực hoặc trạm biến áp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.
Đấu thầu dự án là tối ưu
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng đấu điện mặt trời là phương án tối ưu nhằm ngăn tình trạng loại hình năng lượng này phát triển ồ ạt dẫn tới tắc nghẽn lưới truyền tải như hiện nay.
“Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là một nguyên tắc cơ bản, để lựa chọn nhà thầu tốt nhất, chất lượng sản phẩm cao nhất với giá thành đầu tư rẻ nhất. Chỉ có những nhà đầu tư đủ điều kiện mới được đầu tư phát triển dự án”, ông Ngãi nói.
Tuy vậy, ông Ngãi cho rằng hiện nay điện mặt trời phát triển quá cao, quy hoạch điện VIII sẽ tính phương án giảm bớt. Vì điện mặt trời chỉ phát mạnh vào ban ngày, nhất là vào giờ trưa khi nắng mạnh, nên có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất. Theo ông, tương lai phải tập trung điện gió ngoài khơi, do các ưu thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu…
Cùng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đầu tư và phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Để lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất, cơ quan quản lý cần sớm xây dựng cơ chế đấu thầu.
“Đấu thầu nhà đầu tư điện mặt trời sẽ chọn được doanh nghiệp đủ năng lực, uy tín, bảo đảm khả năng thành công cao, tránh được các rủi ro khi thực hiện dự án. Đồng thời giúp quản lý quy hoạch, hệ thống điện đồng bộ, hài hoà lợi ích giữa các bên”, ông Long nhấn mạnh.
Mạnh tay rà soát điện mặt trời
Bộ Công Thương mới đây có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và EVN khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp về việc phát điển điện mặt trời.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng.
Trong đó, chỉ đạo các tổng công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh lập danh sách đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định số 13/2020.
Xác nhận các hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo tuân thủ quy định về phát triển, đấu nối, công nhận ngày vận hành, ký hợp đồng mua bán điện và các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực điện lực (danh sách trước ngày 11/3).
Trên cở sở danh sách nêu trên, tổng hợp điện mặt trời mái nhà trên toàn quốc; nghiên cứu, đề xuất giải pháp vận hành có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của các nhà đầu tư.