Trong phiên họp toàn thể của Thượng viện Philippines hôm 26/1, Thượng nghị sĩ Richard Gordon cho rằng: “Chúng ta không được phép bỏ qua điều này, khi nước khác yêu sách với các vùng biển xung quanh chúng ta và thậm chí đe dọa phá hủy tàu cá của chúng ta hoặc của bất cứ nước nào đến vùng biển đó”. Theo ông Gordon, “Trung Quốc nợ chúng ta lời giải thích về ý định thật sự của họ”.
Hôm 22/1, lần đầu tiên Trung Quốc thông qua luật nêu rõ lực lượng hải cảnh nước này được phép nổ súng bắn các tàu nước ngoài có các hoạt động mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp. Luật sẽ có hiệu lực từ 1/2.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc.
Theo dự luật được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ được phép sử dụng "tất cả các phương tiện cần thiết" để ngăn chặn nguy cơ từ tàu thuyền nước ngoài.
Nghị sĩ Gordon cho rằng điều luật là “ điều gây quan ngại nghiêm trọng” và là "cảnh báo với tất cả các bên yêu sách trong khu vực”. Ông cũng kêu gọi Thượng viện Philippines hành động về vấn đề này.
Trong khi đó, nghị sĩ Francis Tolentino cho rằng đây là động thái đáng báo động với ngư dân Philippines.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển dựa trên cái gọi là "đường chín đoạn" hay "đường lưỡi bò" phi pháp. Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh tại vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
Ngày 19/1, Nhật Bản gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, nhiều nước như Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Indonesia, Philippines... cũng gửi các công hàm tương tự bác bỏ các đòi hỏi quá đáng, phi lý của Trung Quốc.