Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngành công nghiệp phục vụ thảm đỏ Ấn Độ thêm một lần sụp đổ

(VTC News) -

Karigar- những thợ thủ công góp phần làm nên các thương hiệu xa xỉ và tô vẽ sự hào nhoáng của các sự kiện thảm đỏ thế giới tại Ấn Độ đang bị COVID-19 nhấn chìm.

Saddam Sekh từng là giám sát tầng tại một xưởng may ẩm thấp tại Mumbai, nơi sản xuất các đơn đặt hàng làm việc với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang như Dior và Gucci. Cả ngày lẫn đêm, ông sẽ đi quan sát những karigar - một thuật ngữ tiếng Urdu để chỉ những nghệ nhân có tay nghề cao chuyên về thủ công mỹ nghệ như thêu, đính cườm và thêu đính.

Họ chuyên làm những chiếc váy thiết kế dành riêng cho thảm đỏ Hollywood hoặc những mẫu thử có hoạ tiết công phu cho các buổi trình diễn thời trang ở Milan và Paris.

Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, công việc của họ đã bị trì trệ. Bộ khung của chuỗi cung ứng hàng may mặc Ấn Độ nhanh chóng sụp đổ khi hàng triệu lao động di cư đến thành phố để tìm việc làm lúc đó đã quay trở lại quê hương. 

Karigar là một thuật ngữ tiếng Urdu để chỉ những nghệ nhân có tay nghề cao chuyên về thủ công mỹ nghệ như thêu, đính cườm và thêu đính. (Ảnh: The New York Times)

Vật lộn trong làn sóng COVID-19 đầu tiên

Hơn một năm sau, khi Ấn Độ ra sức nỗ lực ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh có tâm điểm ở Mumbai với các đợt phong tỏa nối tiếp nhau, rất nhiều người làm việc trong ngành công nghiệp thời trang ở nước này đang phải vật lộn để thích nghi với thực tế khắc nghiệt.

Nhà máy hiện đang phải đóng cửa vì không có việc làm”, ông Sekh nói và cho biết thêm rằng một số nghệ nhân đã phải làm những công việc theo ngày với mức lương từ 200 đến 300 rupee, tương đương 2,5 đến 4 USD. 

Một trong những nghệ nhân của ông cuối cùng phải chuyển sang làm việc tại nhà máy bánh quy, một người khác làm trong nhà máy chất dẻo và có người thì về làm nông. Một số người đã gọi điện đến xin các khoản vay, nhưng bản thân những nhà quản lý và giám sát đều đang gặp khó khăn về tài chính. Hiện tại, nhà máy vẫn đóng cửa.

Tình hình trước đây không là gì so với thời điểm hiện tại", ông Sekh nói. “Đặc biệt là các karigar, họ đang ở trong cảnh khốn cùng”.

Làn sóng COVID-19 mới nhất ở Ấn Độ tập trung ở Mumbai. (Ảnh: The New York Times)

Mumbai là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng hàng xa xỉ toàn cầu vì nhân công giá rẻ và có tay nghề cao. (Ảnh: The New York Times)

Mumbai, nơi có thị trường lao động giá rẻ và chất lượng hàng thủ công cao, từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng xa xỉ phẩm toàn cầu. Nhưng bởi đại dịch,ác đơn đặt hàng biến mất chỉ sau một đêm. 

Mặc dù một số xưởng của Mumbai đã mở cửa trở lại nhưng lượng đơn yêu cầu từ các thương hiệu thời trang cao cấp đã không còn được như trước. Hy vọng cho những karigar vẫn còn rất ảm đạm.

Trong nhiều tháng, tất cả hoạt động sản xuất và thương mại trong lĩnh vực thời trang tại Ấn Độ đều chững lại và không có tín hiệu khả quan, kể cả những xưởng may cao cấp”, ông Sunil Sethi, Chủ tịch Hội đồng Thiết kế Thời trang Ấn Độ cho biết. “Đó là một thảm hoạ cho ngành công nghiệp của chúng tôi". 

Vận mệnh của các nhà sản xuất và xuất khẩu đều lao đao. Nhiều nơi buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân công của họ”.

Khi các quốc gia phương Tây vẫn đang bị phong toả, những sự kiện như đại tiệc cưới, bữa tiệc sang trọng hay buổi trình diễn thời trang không còn nằm trong lịch trình của những khách hàng giàu có. Nhiều người trong số họ không còn tâm trạng chi tiêu cho những món đồ thời trang và phụ kiện đắt tiền.

Các đơn đặt hàng trang phục thảm đỏ và dạ tiệc hầu như không còn nữa, điều đó đã tạo ra áp lực tài chính đối với những xưởng sản xuất vẫn tiếp tục hoạt động”, ông Max Modesti, người sáng lập Les Ateliers 2M, một công ty thêu ở Mumbai hợp tác với Chanel và Hermès, cho biết. 

Ông Modesti cho biết hai hãng thời trang cao cấp nói trên và Louis Vuitton là ba nhãn hiệu duy nhất tăng đơn đặt hàng trong năm ngoái. Theo thống kê, các đơn đặt hàng từ những hãng thời trang khác của phương Tây đã giảm khoảng 50 - 70% hoặc bị huỷ bỏ. 

Hơn 35 năm trong lĩnh vực kinh doanh và trải qua nhiều lần suy thoái, tôi chưa bao giờ gặp phải điều gì tồi tệ như hiện nay", ông Modesti nói.

Khi công việc cạn kiệt ở Mumbai, nhiều karigar quyết định ở lại quê hương thay vì lên thành phố. (Ảnh: The New York Times)

Trong nhiều năm, một trong những vấn đề ở Mumbai là nhu cầu lao động cao đối với các công việc thủ công chuyên dụng, khiến các nhà cung cấp phải vật lộn để tuyển dụng nhân công, đôi khi bỏ qua tiêu chuẩn lao động.

Một số đế chế thời trang phương Tây bao gồm LVMH và Kering đã bắt đầu giải quyết những thách thức trước đại dịch bằng thỏa thuận được gọi là hiệp ước Utthan. Tuy nhiên, việc duy trì các quyền lao động cơ bản như chế độ lương công bằng đã thất bại ngay trước khi lệnh phong tỏa được đưa ra.

Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ có trụ sở tại Mumbai, khoảng 140 triệu người đã mất việc kể từ tháng 3 năm ngoái. Với lượng việc làm ít ỏi và không có nơi ở hoặc không đảm bảo mức lương đều đặn, nhiều karigar đã lựa chọn ở lại quê hương của họ thay vì quay trở lại thành phố. Một cuộc di cư hàng loạt khác được thúc đẩy bởi làn sóng lây nhiễm và lệnh phong tỏa mới nhất trong tháng này.

Theo ông Modesti, chi phí cho các biện pháp an toàn phòng dịch đối với nhiều đơn vị xuất khẩu và nhà cung ứng cố gắng mở cửa trở lại vào năm ngoái đã làm tăng nguy cơ phá sản. Tình hình thậm chí còn tệ hơn đối với các nhà cung cấp của thoả thuận Utthan, khi nhiều nơi trong số họ đã phải chi rất nhiều để tuân thủ những yêu cầu về ký túc xá cho công nhân hay các lối thoát hiểm khi có cháy.

Bà Rosey Hurst, người sáng lập Impactt, văn phòng cố vấn Mumbai quản lý các thỏa thuận của Utthan, xác nhận rằng cả hoạt động sản xuất và đánh giá từ Utthan đối với các xưởng thêu tay đã ngừng từ tháng 3 đến tháng 7 năm ngoái và các đơn đặt hàng đã bị gián đoạn.

Bà nói rằng trong thời gian đó, các bên ký kết Utthan đã làm việc với những đơn vị xuất khẩu tại Mumbai để cố gắng bảo vệ người lao động và khoản tiền hỗ trợ đã được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của hơn 1000 karigar.

Một xưởng thêu quy mô nhỏ ở Mumbai hầu như không có các biện pháp an toàn phòng dịch. (Ảnh: The New York Times)

Công ty thêu Les Ateliers 2M của ông Max Modesti ở Mumbai tuân thủ các quy định về bảo vệ người lao động. (Ảnh: The New York Times)

Sụp đổ sau làn sóng thứ hai

Đã có những hy vọng nhỏ nhoi. Sau một mùa cưới rộn ràng trong nước vào cuối năm ngoái, rất nhiều karigar được các nhà thiết kế váy cưới Ấn Độ tuyển dụng. Lượng công việc cũng được tăng thêm nhờ Tuần lễ thời trang Lakmé gần đây ở Mumbai. 

Nhưng nỗi lo sợ liên quan đến đại dịch đang lan rộng ở quốc gia đông dân này khi tỷ lệ tử vong đang ở mức tồi tệ nhất, cùng với sự hoài nghi của công chúng - đặc biệt những người lao động như karigar - về mức độ an toàn và hiệu quả của các mũi tiêm COVID-19 do chính phủ cung cấp.

Giờ đây, khi Ấn Độ mỗi ngày ghi nhận một số lượng kỷ lục các ca nhiễm COVID-19 mới, nhiều nghệ nhân ngành thời trang cao cấp càng bi quan về việc họ có thể kiếm được đủ ăn hay không, chứ chưa nói đến chuyện đạt được các điều kiện làm việc công bằng, tiền lương hay hợp đồng.

Trước đây có rất nhiều lời bàn tán về việc cải thiện quyền lao động. Còn bây giờ, đối với nhiều người, sự sống là quan trọng hơn hết", ông Modesti cho biết. 

Một xưởng thêu quy mô nhỏ ở Mumbai hầu như không có các biện pháp an toàn phòng dịch. (Ảnh: The New York Times)

Abdullah Khan là một nghệ nhân với hơn 20 năm kinh nghiệm. Mặc dù đã mất việc tại một nhà máy cung cấp sản phẩm thêu cho Saint Laurent vào tháng 3 năm ngoái sau khi phàn nàn về mức lương thấp, ông đã tìm được một công việc tại xưởng sản xuất khác.

Nhà máy đó hiện vẫn mở cửa. Tuy nhiên, có ít đơn đặt hàng hơn đồng nghĩa với việc không có tiền làm thêm giờ, vốn chiếm 1/4 thu nhập của ông Khan trước đây. Ông phải nhờ đến việc bán giày thể thao ở ven đường sau giờ làm việc để kiếm thêm thu nhập.

Chúng tôi không nhận được đơn đặt hàng. Lượng công việc thì rất ít", ông Khan cho biết. “Bây giờ tôi đang đứng giữa trời tối với những đôi giày trước mặt. Tôi có thể làm được gì hơn?".

Khánh Quỳnh

Tin mới