Ngày 4/1, RT dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói sẵn sàng ngăn chặn các mối nguy từ việc Nhật Bản tăng cường quân sự gần các đảo của Nga ở vùng Viễn Đông.
Tuyên bố trên được đưa ra khi truyền thông Nhật Bản đưa tin Tokyo đang lên kế hoạch triển khai tên lửa siêu thanh trên đảo Hokkaido, giáp với quần đảo Kuril của Nga.
“Chúng tôi coi các hoạt động của Tokyo là một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh nước Nga và toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương”, Thứ trưởng Rudenko nói.
“Nếu Nhật Bản tiếp tục theo đuổi việc triển khai tên lửa, chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa thích hợp để ngăn chặn các mối đe dọa quân sự mà Nga phải đối mặt”, ông Rudenko nhấn mạnh, đồng thời hoài nghi về động cơ Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Type-03 của Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo News)
Năm 2017, cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo công bố kế hoạch sửa đổi hiến pháp hòa bình của nước này, cho phép Tokyo xây dựng một quân đội thường trực theo đúng nghĩa.
Tháng 12/2022, chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng kỷ lục 51 tỷ USD cho năm tài chính 2023. Tokyo cũng sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia, cho phép thực hiện “khả năng phản công”.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết "việc giải quyết triệt để các mối đe dọa tên lửa chỉ với mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện tại ngày càng trở nên khó khăn", khi đề cập các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc.
Nhật Bản cùng với nhiều nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau cuộc tấn công quân sự của Moskva vào Ukraine từ tháng 2/2022. Kể từ đó, Nga đã đưa một số quan chức hàng đầu của Nhật Bản, bao gồm cả Thủ tướng Kishida vào "danh sách đen".