Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga - Mỹ còn lại gì sau 30 năm ký START II?

(VTC News) -

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine hiện nay, mọi hy vọng về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa 2 cường quốc gần như đã tiêu tan.

Chỉ vài năm sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ đã đi đến một thỏa thuận nhằm chấm chứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Ngày 3/1/1993, khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin và người đồng cấp George H.W. Bush gặp nhau tại Moskva để ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược II (START II) theo đó quy định việc dỡ bỏ các hệ thống vũ khí hạt nhân tầm xa tương ứng của 2 nước, họ đã nâng cốc chúc mừng và mỉm cười với nhau.

Tuy nhiên, 30 năm sau, ở thời điểm gần 1 năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, thỏa thuận đó dường như không còn hiệu lực.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Titan II được trừng bày tại Bảo tàng Tên lửa Titan ở Tucson, Arizona. Titan II từng là thành phần quan trọng trong chương trình phòng thủ của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. (Ảnh: Picture Alliance)

“Thời hoàng kim của kiểm soát vũ khí song phương”

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) quy định việc giảm số lượng vũ khí chiến lược của cả Nga và Mỹ. START II quy định việc vô hiệu hóa tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên đất liền với nhiều đầu đạn và giảm số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống mức tối đa 3.000- 3.500 mỗi bên vào năm 2003.

Nhà khoa học chính trị Johannes Varwick tại Đại học Halle nói với DW rằng, 30 năm trước, thế giới đã chứng kiến “thời kỳ hoàng kim của kiểm soát vũ khí song phương sau khi xung đột Đông - Tây kết thúc. START II vừa là kết quả của sự cải thiện quan hệ chính trị giữa hai siêu cường vừa là động cơ cho các biện pháp xây dựng lòng tin hơn nữa”.

Hiệp ước trước đó, START I, do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khởi xướng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn đang diễn ra. Hiệp ước sau đó được ký kết giữa người kế nhiệm của ông Reagan, Tổng thống George H.W. Bush và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1991. START I chính thức có hiệu lực vào cuối năm 1994.

Cần phải nhắc lại rằng, vào thời điểm đó, trong một nghị định thư bổ sung, Ukraine, Belarus và Kazakhstan cũng cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của họ từ thời Liên Xô, điều mà giới lãnh đạo Ukraine ngày nay cảm thấy hối tiếc.

START II chưa bao giờ có hiệu lực?

Trái ngược với START I, hiệp ước START II chưa bao giờ thực sự có hiệu lực. Căng thẳng giữa Nga và Mỹ một lần nữa gia tăng do chiến dịch quân sự của Mỹ ở Kosovo và Iraq cũng như việc NATO không ngừng mở rộng về phía Đông. Cuối cùng, Nga đã liên kết việc phê chuẩn hiệp ước START II với việc duy trì Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972, trong đó hạn chế việc sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Khi Mỹ rút khỏi hiệp ước ABM năm 2002, START II cũng đã ‘chết’”, nhà sử học Henning Hoff tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nhận định. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận START III vẫn diễn ra, nhưng cuối cùng chúng đã “tan thành mây khói”.

Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ đều vẫn quan tâm đến giải trừ hạt nhân chiến lược. Năm 2002, Hiệp ước cắt giảm tấn công chiến lược (SORT) hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân của cả hai bên ở mức 1.700- 2.200. Theo ông Hoff, con số này “vẫn đủ để hủy diệt Trái Đất”.

Cả hai bên cuối cùng đã đạt được thỏa thuận Hiệp ước START Mới (New START), có hiệu lực vào tháng 2/2011. Hiệp ước này vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.

Hiệp ước START Mới buộc cả Nga và Mỹ gia phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống còn tối đa 1.550 mỗi bên và giới hạn số lượng các hệ thống như ICBM, tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom xuống còn 800. Để xác minh, mỗi bên có thể tiến hành kiểm tra trên lãnh thổ đối phương. Năm 2021, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden đã ký thỏa thuận gia hạn hiệp ước thêm 5 năm, kéo dài thời gian hiệu lực đến năm 2026.

Tên lửa đạn đạo Sarmat của Nga. (Ảnh: Imago)

Hiệp ước START Mới vẫn có hiệu lực

Về nguyên tắc, cuộc xung đột của Nga ở Ukraine không đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận START Mới, mặc dù Nga đã “tạm thời đình chỉ các cuộc thanh tra” kho vũ khí hạt nhân của nước này từ tháng 8/2021. Về mặt chính thức, quyết định của Nga không phải là do xung đột ở Ukraine mà là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với máy bay Nga, khiến Moskva không thể đưa các thanh sát viên tới Mỹ.

Trên thực tế, START Mới (New START) là hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân song phương duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga hiện nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ lệnh cấm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất vào năm 2019 và rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở vào năm 2020 - hiệp ước cho phép các chuyến bay do thám lẫn nhau như một biện pháp xây dựng lòng tin.

Triển vọng u ám đối với kiểm soát vũ khí

Thế giới hiện nay đang đứng ở đâu trong vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân? Báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu Hòa bình (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển đánh giá, vào đầu năm 2022, ngay trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, có “dấu hiệu rõ ràng” cho thấy việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu kể từ khi Chiến tranh Lạnh đã “đi đến hồi kết”.

“Tất cả các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại”, báo cáo của SIPRI nhấn mạnh.

Nhà khoa học chính trị Johannes Varwick cho biết: “Việc kiểm soát vũ khí ngày nay giống như một di tích của quá khứ xa xôi”. Các cường quốc hạt nhân khác như Trung Quốc “chưa tham gia vào bất kỳ khuôn khổ hiệp ước nào trong lĩnh vực hạt nhân, ngoại trừ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Theo ông Varwick nói, giải trừ vũ khí chiến lược chỉ có thể thực hiện được “thông qua sự cải thiện trong quan hệ chính trị giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc và đây là điều phi thực tế trong bối cảnh hiện nay”.

Hoàng Phạm (VOV.VN (biên dịch))

Tin mới