Dây chuyền sản xuất vũ khí thuộc tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga đã đạt được bước đột phá lớn, liên quan đến việc sản xuất đạn pháo có độ chính xác cao Krasnopol.
Bước phát triển này không chỉ ở số lượng mà còn ở những tiến bộ về đặc tính của đạn dược. Thông tin này được công bố trong một chương trình có tựa đề “Military Reception” được phát sóng trên kênh truyền hình “Zvezda”.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, Oleg Ryazantsev, Tổng Giám đốc công ty High-Precision Complexes Holding chia sẻ, trong thời gian quân đội Nga tham gia các hoạt động quân sự đặc biệt, ngành công nghiệp của đất nước đã đạt được thành công trong việc tăng sản lượng đạn Krasnopol lên gấp 20 lần.
Đạn pháo 152 mm Krasnopol của Nga.
Độ chính xác cao
Được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố chỉ với một đòn tấn công, Krasnopol 152 mm là loại đạn pháo dẫn đường có độ chính xác rất cao. Độ chính xác của đạn có được là nhờ các thiết bị điều khiển khí động học, có khả năng điều hướng cho viên đạn trong phần cuối của chuyến bay và căn chỉnh theo dấu laser của mục tiêu đã định.
Đáng chú ý, quân đội Nga đang triển khai rộng rãi loại đạn dẫn đường Krasnopol trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Việc chiếu sáng và chỉ thị mục tiêu cho những quả đạn này được thông qua các thiết bị chỉ định mục tiêu trên mặt đất và máy bay không người lái, chẳng hạn như Orlan-30.
Hiện tại, các lực lượng Nga đang được trang bị đạn pháo Krasnopol-M2 phiên bản hiện đại hóa, một sản phẩm của Cục Thiết kế Quân khí. Theo các chuyên gia quân sự, quân đội Nga đã gia tăng việc sử dụng loại đạn đặc biệt này, đáng chú ý nhất là trong Quân khu phía Bắc. Sự gia tăng này được cho là do các nhà máy Nga đã tăng tốc độ sản xuất lên đáng kể.
Krasnopol-M2, được thiết kế để bắn từ một khẩu pháo tiêu chuẩn, viên đạn có thể thực hiện một cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu nhờ được trang bị thiết bị dẫn đường GPS và laser.
Quá trình bắt đầu bao gồm việc nạp đạn vào nòng pháo và bắn nó theo hướng của mục tiêu. Bộ thu GPS tích hợp trong đầu đạn sẽ hỗ trợ điều hướng tới mục tiêu đã định.
Khi đạn pháo đến gần mục tiêu, hệ thống dẫn đường bằng laser sẽ thay thế bộ thu GPS để điều khiển hướng đi. Mục tiêu được chiếu sáng bằng tia laser và cảm biến tích hợp của đầu đạn sẽ thu giữ ánh sáng này, điều chỉnh quỹ đạo để xác định chính xác nguồn ánh sáng.
Hệ thống Krasnopol-M2 được tăng cường hơn nữa nhờ tính năng cầu chì gần. Khi quả đạn đến gần đích, tính năng này sẽ kích nổ đầu đạn.
Krasnopol-M2 hiện đại hóa được trang bị cầu chì tiên tiến, có khả năng kích hoạt các chế độ nổ trên không, tác động trực tiếp hoặc kích nổ chậm. Khả năng này cho phép lực lượng pháo binh tùy chỉnh chế độ tấn công của đầu đạn để phù hợp với tính chất của mục tiêu.
Nhờ sự dẫn đường chính xác của hệ thống, các cuộc tấn công có độ chính xác cao được thực hiện ở khoảng cách lên tới 20 km, do đó giảm thiệt hại phụ tiềm ẩn và tối đa hóa hiệu quả của pháo binh.
Binh sĩ Nga đang chuẩn bị đạn pháo Krasnopol-1.
Củng cố vị thế quân sự của Nga
Tiến sĩ Andrew Radin, một nhà khoa học chính trị có uy tín tại tổ chức RAND Corporation, cho biết: “Đạn pháo Krasnopol-M2 được xem là một tiến bộ vượt bậc trong công nghệ pháo binh của Nga”. Ông khẳng định thêm rằng, cải tiến này được thiết kế rõ ràng là nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến tranh đương đại.
“Sự tiên tiến trong công nghệ pháo binh của Nga được thể hiện rõ ràng ở Krasnopol-M2. Đây có thể là sự bổ sung mang tính thay đổi cuộc chơi cho bất kỳ kịch bản chiến tranh nào trong tương lai”, Michael Coffman, người đứng đầu chương trình nghiên cứu tại Tập đoàn CNA chia sẻ.
Một ý kiến bình luân khác do Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cấp cao tại tổ chức RAND Corporation, đưa ra: “Krasnopol-M2 đại diện cho sự tiến bộ vượt trội của pháo binh Nga, cả về tầm bắn và độ chính xác. Điều này thể hiện rõ ràng quyết tâm của Nga trong việc duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ quân sự”.
Vào tháng 11 năm ngoái, công ty quốc phòng Rostec của Nga đã tuyên bố nâng cấp đạn pháo Krasnopol-M2, đồng thời từ chối chia sẻ thông tin cụ thể.
Trong nỗ lực làm sáng tỏ những diễn biến này, nhà phân tích quốc phòng và biên tập viên của tạp chí Arsenal of the Fatherland, Alexei Lenkov, đã dự đoán những cải tiến có thể thực hiện được đối với loại đạn này.
Được biết, Lenkov dự đoán rằng phiên bản nâng cấp của Krasnopol có thể được thiết kế, để nâng cao khả năng nhắm mục tiêu vào các mục tiêu di động.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đang sử dụng đạn pháo 152 mm. Các quốc gia này không chỉ là những đối tác tiềm năng trong việc nhập khẩu đạn Krasnopol-M2, mà còn được sản xuất loại đạn này theo giấy phép được mua.
Ví dụ điển hình là Belarus, đồng minh quan trọng của Nga, được xác nhận đang sở hữu số lượng lớn pháo 152 mm trong kho vũ khí của mình.
Đạn pháo Krasnopol hiện đang được sử dụng phổ biến ở Nga, Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ và Syria. Bản thân Hy Lạp không sử dụng đạn Krasnopol, nhưng lực lượng vũ trang nước này đang triển khai 12 khẩu pháo tự hành M2000G Zuzana cỡ nòng 152 mm trên lãnh thổ Quốc đảo Síp.