Theo EurAsian Times, để tiếp tục duy trì lợi thế trên không, không quân Nga đã tích cực đưa máy bay đánh chặn Mikoyan MiG-31 trang bị tên lửa tầm xa R-37M vào hoạt động trên chiến trường Ukraine.
Nguồn tin từ Ukraine cho biết, vào ngày 26/1/2023, Nga đã phóng 55 tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine. Trong cuộc tấn công này, Nga đã bắt đầu sử dụng tiêm kích MiG-31 phóng tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal.
Sau đó, vào ngày 9/3/2023, Nga tiếp tục phóng 84 tên lửa, trong đó có 6 tên lửa siêu thanh Kinzhal vào các thành phố của Ukraine. Cho đến thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn chưa có cách nào ngăn chặn được MiG-31 hay Kinzhal.
Kể từ cuối năm 2022, tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa tầm xa R-37M đã trở thành mối đe dọa chính đối với Lực lượng không quân Ukraine. MiG-31 Nga đã bắn hạ không ít chiến đấu cơ của Ukraine, chủ yếu bằng tên lửa tầm xa R-37.
Giới chức Ukraine đang hy vọng máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp trong thời gian tới, sẽ được trang bị tên lửa AIM-120 AMRAAM để có thể đối đầu với MiG-31 và R-37 của Nga.
Máy bay chiến đấu MiG-31 của Nga.
Chiến đấu cơ MiG-31
MiG-31 (định danh của NATO là Foxhound), là máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Nga do hãng Mikoyan thiết kế và phát triển. Được phát triển trong Chiến tranh Lạnh với vai trò là máy bay đánh chặn, MiG-31 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1975, bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 1979 và được đưa vào biên chế trong Không quân Liên Xô vào năm 1982.
Thân máy bay MiG-31 được thiết kế với cấu trúc khí động học cao và được sắp xếp hợp lý, cho phép bay với tốc độ siêu âm ngay cả ở độ cao thấp. Khung máy bay được cấu tạo bởi 49% thép niken, 33% hợp kim kim loại nhẹ, 16% titan và 2% vật liệu tổng hợp.
MiG-31 có thể hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết, được triển khai để thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu trên cao.
Được trang bị 2 động cơ tuốc bin 2xD-30F6, lực đẩy cất cánh mỗi động cơ là 15.500 kg, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 3.000 km/h, trần bay hơn 20 km và leo cao với tốc độ 208 m/s, bán kính chiến đấu 720 km và phạm vi hoạt động lên tới 3.300 km (khi có thùng nhiên liệu phụ).
MiG-31BM, biến thể hiện tại của MiG-31, đã được nâng cấp đáng kể, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ. Phiên bản này được bổ sung thêm hệ thống kiểm soát chiến đấu tập trung, radar mảng pha mới và khả năng tiếp nhiên liệu trên máy bay.
Chiến đấu cơ MiG-31.
Khung máy bay cũng đã được gia cố, giúp tăng tuổi thọ của máy bay từ 2.500 giờ lên 3.500 giờ, Nga cho rằng MiG-31BM hiệu quả hơn 2,6 lần so với MiG-31 nguyên bản.
Tổ hợp radar mới của MiG-31BM có thể theo dõi cùng lúc 24 mục tiêu trên không, 6 mục tiêu trong số đó có thể bị tên lửa R-33S tấn công đồng thời. Radar được cho là hoạt động tốt ngay cả khi bị đối phương gây nhiễu.
MiG-31BM có thể sử dụng tên lửa chống radar, tên lửa không đối hạm và không đối đất. Ngoài ra, MiG-31BM còn có các hệ thống điện tử hàng không, bộ điều khiển HOTAS và màn hình đa chức năng hiện đại (MFD). Máy bay có hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) trong tấm chắn dưới mũi của phi công, có thể theo dõi các hoạt động trong phạm vi 56 km.
MiG-31 đóng vai trò là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, được trang bị các liên kết dữ liệu an toàn kỹ thuật số và hình ảnh radar của máy bay có thể được chuyển sang Su-30 và MiG-29.
Một đội hình gồm 4 chiếc MiG-31 có thể phối hợp với nhau bằng cách sử dụng các liên kết dữ liệu và kiểm soát không phận trên phạm vi dài 900 km. Sự kết hợp giữa radar và vũ khí của các máy bay giúp đội hình này có thể đánh chặn tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và phóng tên lửa trong cùng một cuộc tấn công.
MiG-31BM đã chứng tỏ được hiệu quả chiến đấu cao trước các máy bay tấn công và máy bay chiến đấu của Ukraine. MiG-31BM đã bắn hạ một số máy bay Ukraine bằng tên lửa không đối không tầm xa R-37M, máy bay có thể hoạt động liên tục trên chiến tuyến vì máy bay chiến đấu của Ukraine thiếu tầm hoạt động và sự cơ động.
Tên lửa R-37M.
Tên lửa Vympel R-37M
Vympel R-37M (định danh của NATO là AA-X-13 Arrow), đây là tên lửa không đối không siêu thanh có tầm bắn rất xa. Được thiết kế để bắn hạ máy bay vận tải, máy bay cảnh báo sớm (AWACS) hoặc máy bay ném bom cỡ lớn, từ ngoài khoảng cách mà các loại máy bay tiêm kích đối phương có thể tấn công đánh trả MiG-31.
Tên lửa R-37 được giới thiệu vào những năm 1980. Biến thể mới nhất là R-37M được đưa vào sử dụng từ năm 2019, với khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly từ 150 - 400 km, khiến nó trở thành tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất trên thế giới. Các chuyên gia quân sự nhận xét rằng, loại tên lửa này thực sự là mối đe doạ đối với lực lượng không quân Ukraine.
Tháng 10/2022, một báo cáo của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại Anh cho biết, mỗi ngày có khoảng 6 quả tên lửa R-37M bắn vào lực lượng không quân Ukraine.
Tuy R-37M không gây ra độ sát thương cao, nhưng chúng buộc các phi công Ukraine phải né tránh và quay trở lại mà không hoàn thành nhiệm vụ. Một chiếc MiG-31 có thể phóng tên lửa R-37M bay khoảng 300 km vào không phận Ukraine, mà không phải bay vào vùng nguy hiểm.
Để ngăn chặn tên lửa R-37M bắn trúng, các phi công Ukraine đã phát triển một động tác né tránh được gọi là “Notching”. Tuy nhiên, họ không thể dễ dàng đánh trả khi MiG-31 đã phóng tên lửa. Tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất trong kho của Ukraine là R-27ER, tầm bắn tối đa khoảng 100 km nhưng phải được triển khai trong các điều kiện cụ thể.
Chiến đấu cơ F-16V mang tên lửa AIM-120.
F-16 cho Ukraine
Hà Lan và các nước NATO như Đan Mạch, Bỉ đã cam kết chuyển giao máy bay chiến chiến đấu F-16 cho Ukraine. Vì loại tiêm kích này do Mỹ sản xuất nên việc chuyển giao phải được sự chấp thuận của Washington.
Để ngăn chặn hiệu quả MiG-31 của Nga thì trước khi chuyển giao cho Ukraine, F-16 cần phải được nâng cấp một số hạng mục như radar, hệ thống điện tử hàng không hiện đại và tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 (tầm bắn 180 km).
Mặc dù vậy, những chiếc F-16 khi được trang bị tên lửa AIM-120 sẽ vẫn gặp bất lợi về tầm bắn so với những chiếc MiG-31 của Nga được trang bị tên lửa R-37M. Tuy nhiên những chiếc F-16 bay sát tiền tuyến có thể làm cho MiG-31 hoạt động lùi sâu hơn trong lãnh thổ Nga, điều này cho phép F-16 thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn trên khu vực hiện do Nga kiểm soát.