Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nga sẽ 'né' đòn trừng phạt dầu mỏ của EU thế nào?

Việc Nga phản ứng thế nào trước đòn trừng phạt của châu Âu đang được theo dõi chặt chẽ bởi điều này sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Nga có thể đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này bằng cách tìm kiếm khách hàng mới hoặc cắt giảm sản lượng để giữ giá cao. Động thái này có thể tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu nếu OPEC không can thiệp.

“Phản ứng của Nga sẽ được theo dõi chặt chẽ”, bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Market cho biết.

Ảnh: Getty

Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEA), Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia; là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia.

“Phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ có thể sẽ thay đổi thương mại dầu mỏ-khí đốt trong tương lai. Giá dầu sẽ không giảm trong thời gian trước mắt và hậu quả của những đòn trừng phạt nhằm vào Nga sẽ còn kéo dài trong nghiều năm. Mỹ đáng lẽ ra nên áp lệnh trừng phạt ‘phủ đầu’ nhằm vào Nga và cứng rắn hơn với các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC để tăng sản lượng từ sớm”, ông Hosseiun Askari, giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học George Washington nhận định.

Săn tìm khách hàng mới

Việc Nga có thể giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu thô của nước này hay không và Moscow có thể bán được bao nhiêu dầu sẽ tác động đến giá dầu toàn cầu.

Trong một tuyên bố trên Twitter, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna cho biết, Nga sẽ tìm kiếm các đối tác khác mua dầu của mình. Hiện nay, Moscow đã có 2 khách hàng tiềm năng mua dầu thô là Trung Quốc và Ấn Độ. Bắc Kinh và New Delhi đều đã mua dầu giảm giá của Nga và các nhà chuyên gia dự báo rằng điều này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Theo các nhà theo dõi thị trường, trước đây, Ấn Độ nhập khẩu rất ít dầu thô từ Nga, chỉ 2-5% mỗi năm, tuy nhiên, trong những tháng gần đây, lượng mua của nước này đã tăng vọt. Cụ thể, Ấn Độ mua 11 triệu thùng dầu của Nga vào tháng 3, con số này đã tăng lên 27 triệu vào tháng 4 và 21 triệu vào tháng 5. Trong khi đó, cả năm 2021, Ấn Độ chỉ mua 12 triệu thùng dầu từ Nga.

Trung Quốc dù đã là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, nhưng khối lượng mua của nước này cũng đã tăng vọt. Từ tháng 3 đến tháng 5, Trung Quốc đã mua 14,5 triệu thùng, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu của Kpler.

Mặc dù vậy, bà Croft nhận định, vẫn có rủi ro cho Moscow khi EU nhắm mục tiêu vào các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm.

Thay đổi phương thức vận tải

“Việc các thùng dầu của Nga có bán được tới Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hay không có thể phụ thuộc vào việc liệu EU cuối cùng có chọn nhắm mục tiêu vào các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm hay không và liệu Mỹ có chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp theo kiểu Iran hay không”, RBC’s Croft viết.

Theo công ty tư vấn hàng hải Windward, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát cuối tháng 2 đến nay, đã có 180 trường hợp thay đổi chủ sở hữu tàu vận chuyển từ các thực thể của Nga sang các thực thể không phải của Nga.

Các trường hợp thay đổi chủ sở hữu tàu Nga ghi nhận chỉ trong 3 tháng qua bằng hơn một nửa số trường hợp tương tự trong cả năm 2021. Rất nhiều tàu Nga đã được bán cho các công ty có trụ sở tại Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Na Uy.

Cắt giảm sản lượng

Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng và giảm xuất khẩu dầu thô để giảm bớt tác động tài chính. Phó Chủ tịch Công ty dầu mỏ Lukoil của Nga, ông Leonid Fedun cho biết nước này nên cắt giảm khoảng 30% sản lượng để đẩy giá lên cao hơn, chứ không nên giảm giá bán quá sâu như hiện nay.

Theo bà Croft, Nga có thể sẽ cắt giảm xuất khẩu trong mùa hè để gây thiệt hại kinh tế tối đa cho châu Âu.

Do lượng dầu dự trữ ở mức “thấp đáng báo động” cùng với năng lực lọc dầu hạn chế, châu Âu khó tránh khỏi tác động nếu Nga đi trước trong việc cắt giảm xuất khẩu dầu thô ngay trong mùa hè này.

“Đối với Nga, giá dầu tăng cao có thể bù đắp lại tác động của khối lượng xuất khẩu giảm trong năm nay”, ông Edward Gardner, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nhận định.

Dầu thô Urals, hỗn hợp dầu chính mà Nga xuất khẩu, dù đang được giao dịch chiết khấu, thì vẫn có giá 95 USD/thùng - cao hơn nhiều so với mức một năm trước, theo ông Gardner.

Nếu sản lượng của Nga giảm, các bên khác có thể sẽ can thiệp để kiềm chế đà tăng của giá dầu. OPEC+ ngày 2/6 đã quyết định nâng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày, tuy nhiên, điều này không đủ để lấp đầy khoảng trống mà năng lượng Nga để lại.

Hoàng Phạm ( VOV.VN)

Tin mới